Công ty chủ quản của D.M. ngay sau đó đã phải có những biện pháp xử lý nhanh chóng như: hủy mọi kế hoạch gắn với nhân vật này, cách bỏ mọi chức vụ… Trước đó, một nữ Facebooker có những lời nói không phù hợp cũng nhận những phản ứng mạnh mẽ đến mức dừng mọi hoạt động, đăng lời xin lỗi cộng đồng về những hành động của mình.
Một thời gian dài trước đây, những hành động phản cảm, sai trái của các cá nhân “triệu view” trên mạng xã hội hầu như rất khó để xử lý. Cao nhất là xử phạt hành chính vài triệu đồng, buộc đóng trang vi phạm… Tính răn đe bị xem là thiếu hiệu quả, đôi khi còn mang tác dụng ngược, khiến người bị phạt càng thêm nổi tiếng, được chú ý nhiều hơn. Chính vì thế, nhiều người đã không ngần ngại sử dụng những hành vi “lố” để câu view (lượt xem), bất chấp việc điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng mạng, đến xã hội. Và thực tế đã có không ít người đạt được mục đích nổi tiếng thông qua những hành vi phản cảm, đầy tai tiếng. Cũng vì thế, Bộ VH-TT-DL đã phải đưa ra dự thảo quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng trên mạng (KOL) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Trước khi quy trình xử lý của các cơ quan chức năng chính thức đi vào cuộc sống, một tín hiệu tích cực đang xuất hiện. Những người dùng mạng xã hội dần ý thức được quyền của mình trong việc ngăn chặn, loại bỏ những cá nhân có hành vi sai trái. Việc lên án, tẩy chay đã và đang được sử dụng ngày càng đúng lúc, đúng chỗ và do đó trở thành một công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, trừng trị những hành vi sai trái của những cá nhân “triệu view”. Thành công và sự nổi tiếng của những cá nhân này được xây dựng từ sự ủng hộ của công chúng, nên khi bị công chúng quay lưng, họ xem như mất hết. Đó là chưa kể sự cạnh tranh trong lĩnh vực sáng tạo nội dung trên mạng rất gay gắt, chỉ cần người này bị công chúng lãng quên là ngay lập tức có những người khác thay thế và khả năng quay trở lại là vô cùng khó khăn.
Mạng xã hội là một sân chơi rộng mở, nơi mỗi cá nhân có quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình. Để mạng xã hội thực sự trở thành một cộng đồng tích cực, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là điều quan trọng nhất. Và mỗi người dùng mạng xã hội có trách nhiệm đều có thể trở thành một “người gác cổng”, góp một phần trong việc xây dựng môi trường mạng ngày càng lành mạnh hơn.