Những người đi qua biển

Năm 1987, khi thăm lại chiến trường xưa, một số cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam quyết định làm một điều gì đó để sửa chữa lỗi lầm ngày trước. Chỉ một năm sau đó, Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner, đã nỗ lực thiết lập “cây cầu văn hóa” Việt - Mỹ, kết nối những nhà văn Mỹ và Việt Nam. 

1.Hai nhà văn cựu binh Việt Nam đầu tiên được mời tham dự các buổi nói chuyện với cựu binh Mỹ vào mùa hè năm 1988 là Lê Lựu và Ngụy Ngữ. Từ đó, hàng năm đều đặn các nhà văn Việt Nam được mời đến Trung tâm William Joiner giao lưu, và ngược lại, những nhà văn - cựu binh Mỹ cũng có những chuyến thăm Việt Nam. 

Tiến sĩ, nhà thơ Kevin Bowen; nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung và nhà văn Trầm Hương (từ phải sang). Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Hơn 30 năm qua, có hơn 100 nhà văn Việt Nam đã được mời đến Trung tâm William Joiner. Trước khi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, cầu nối văn học xuyên qua biển, cách nửa vòng trái đất đã được thiết lập, giúp hai đất nước gần nhau hơn. “Tại sao nhịp cầu quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh bắt đầu bằng văn học mà không là gì khác?”, năm 2018, đến Boston, tại nhà riêng TS Kevin Bowen, trong một buổi sáng mùa hè, tôi hỏi ông câu hỏi ấy. Và câu trả lời của ông truyền cảm hứng cho tôi nung nấu thực hiện bộ phim tài liệu Những người đi qua biển. Ê kíp làm phim đã nỗ lực tìm gặp, phỏng vấn nhiều nhà văn, cựu binh Mỹ ở Mỹ và Việt Nam trong 2 năm ròng rã. 


Tôi cứ nghĩ, hè năm 2020 sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp thạc sĩ âm nhạc của con gái, sẽ bay sang Boston, gặp những nhà văn cựu binh Mỹ, chia sẻ bộ phim tài liệu này, nhưng đại dịch Covid-19 ập đến, chuyến đi vậy là hoãn lại. Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, gây bao mất mát. Không nản lòng, những cuộc phỏng vấn vẫn được thực hiện từ TPHCM sang Mỹ… Những người đi qua biển đã băng qua đại dịch bằng trái tim và sự kết nối.

2. Chúng tôi thực hiện bộ phim tài liệu này bằng sự thôi thúc của trái tim. Điểm đến đầu tiên cho chuyến đi qua biển của đoàn làm phim là ngôi nhà của vợ chồng nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung và Phan Thị Ngọc Chấn tại số 53 Newton, Belmont, MA. Ngôi biệt thự mang phong cách Mỹ bên ngoài, nhưng bên trong mọi vật dụng đều thuần Việt. Ngôi nhà này hơn 30 năm qua đã đón tiếp hơn 100 nhà văn, nhà thơ Việt Nam sang Mỹ, khi đến với Trung tâm William Joiner. Sự đồng hành của anh Nguyễn Bá Chung với Trung tâm William Joiner trải qua không ít sóng gió. Ở Mỹ, anh bị một số người gọi là “Chung nón cối” - có ý chia rẽ anh với cộng đồng. Những chuyến về quê hương từ trước những năm Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam là nguồn cảm hứng mãnh liệt để anh viết tập thơ Nguồn... Anh lặng lẽ dịch những tác phẩm của những nhà văn Việt Nam. Thời xa vắng của Lê Lựu là một trong những tác phẩm được anh dịch đầu tiên...  

Những điều kỳ diệu mà anh Nguyễn Bá Chung làm được có sự đồng hành của người bạn đời Phan Thị Ngọc Chấn. Chị tiếp cận nhiều tư liệu quý của Việt Nam khi còn là sinh viên cao học ở Boston. Sau khi tốt nghiệp, dạy song ngữ Việt - Anh cho trẻ em gốc Việt, chị vẫn duy trì công việc bán thời gian ở thư viện. Những chuyến về Việt Nam hoặc qua bạn bè, chị sưu tập được nhiều tác phẩm viết về Việt Nam, bổ sung cho thư viện. Trường Đại học Harvard bổ nhiệm chị làm người phụ trách bộ sưu tập về Việt Nam trong Thư viện Harvard - Yenching, thuộc hệ thống thư viện đồ sộ của trường đại học danh tiếng này. Chúng tôi từng được chị đưa đến thăm thư viện. Ở đây, tôi kinh ngạc khi thấy những quyển sách quý của Việt Nam, những ấn bản được số hóa như Đại Nam thực lục, Phụ nữ tân văn, Gia Định báo... đặt trang trọng trong ngăn lưu trữ. 

3. Những ngày ngắn ngủi ở Boston, anh Nguyễn Bá Chung tranh thủ đưa chúng tôi gặp một số cựu binh Mỹ. Nhà văn Mỹ Marc Levy trải lòng về những ngày khốc liệt ở chiến trường Việt Nam. Ông đã trở lại Việt Nam từ những năm 1990, khi chiến trường nơi ông từng đến còn nguyên hố bom... Ký ức chiến tranh thôi thúc ông cầm bút, dù một số tác phẩm của ông không dính gì đến chiến tranh. 

Nhà thơ Nguyễn Bá Chung đưa chúng tôi đến thăm Trung tâm William Joiner - nơi được xem là “độc nhất vô nhị” dù có rất nhiều viện và trung tâm nghiên cứu tại các trường đại học khác ở Mỹ. Trong vai trò Giám đốc Trung tâm William Joiner, khi chứng kiến những vết thương chiến tranh còn hằn dấu ở Việt Nam năm 1986, Kevin Bowen đã lập một cầu nối giao lưu văn hóa giữa nhà văn Mỹ và Việt Nam và khởi xướng chương trình dịch thuật tác phẩm từ hai phía... Từ năm 1994, trung tâm đã xuất bản ít nhất 14 lượt tác phẩm dịch thơ Việt Nam - nhiều hơn bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới.

Sau tai nạn, trí nhớ bị ảnh hưởng, Kevin Bowen trao quyền lãnh đạo Trung tâm William Joiner cho TS Thomas T.Kane - một người Mỹ đã sống và làm việc ở Việt Nam hơn 6 năm, am hiểu văn hóa Việt Nam. Khi đó, chị Leslei, vợ Kevin Bowen, khuyên chồng vẽ tranh để phục hồi trí nhớ. Kevin Bowen chọn vẽ chân dung những nhà văn Việt Nam mà ông đã gặp. Những “sứ giả hòa bình” ấy luôn gây ấn tượng mạnh mẽ trong ông. Và bộ sưu tập tranh chân dung nhà văn Việt Nam bằng sơn dầu đã được Kevin Bowen mang sang Việt Nam triển lãm. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã vận động một doanh nghiệp mua bộ tranh ấy, thật đẹp và cảm động.

Tôi đã gặp Kevin Bowen, nghe ông trải lòng, nghe ông đọc thơ và được ông tặng tập thơ Chơi bóng rổ với Việt Cộng tại nhà riêng của ông ở ngoại ô Boston. Tôi hỏi: “Vì sao ông chọn văn chương làm cầu nối hàn gắn vết thương chiến tranh mà không là cái gì khác?”. Ông cười hồn hậu: “Vì chỉ có văn chương mới là thứ tinh khiết nhất, dễ đi vào trái tim con người nhất”. Tôi đọc cho ông nghe bài thơ Cây tâm hồn tôi về sự hy sinh, chịu đựng gần như là thuộc tính của người phụ nữ Việt Nam, với lời đề tặng: “Bản dành tặng tiến sĩ, nhà thơ Kevin Bowen. Tôi, một phụ nữ viết văn, lớn lên sau chiến tranh Việt Nam, vượt nửa vòng trái đất đến Boston, nước Mỹ chỉ để mong gặp ông, nói lời cảm ơn tự đáy lòng về tất cả những gì ông đã làm cho đất nước tôi!”. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể: “Đôi lần, tôi gợi ý làm một bộ phim tư liệu về Kevin Bowen khi ông đến Việt Nam. Nhưng lần nào ông cũng từ chối. Ông là một người lặng lẽ. Có lúc tôi gọi đùa ông là một người Mỹ trầm lặng…”. Lời anh Thiều càng thôi thúc chúng tôi đi qua biển để ghi lại những hình ảnh về người Mỹ trầm lặng ấy. Năm 2022, tôi nhủ lòng, dù Covid-19 có tàn khốc đến mức nào, vẫn phải đi qua biển với bộ phim như một lời tri ân những tấm lòng từ hai phía.

Tin cùng chuyên mục