“Mái ấm” của hàng ngàn cá thể chim, cò
Về vùng miệt thứ xã Đông Thạnh, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang), hỏi thăm vườn cò của vợ chồng ông Danh Tính, người dân địa phương ai cũng có thể chỉ đường rành rọt. Dù không phải là vườn dừa duy nhất trên địa bàn, nhưng những chú chim, cò lại chọn mảnh đất của ông Tính làm nơi trú ngụ. Từ xa, mọi người đã nghe thấy tiếng cò gọi nhau, đậu phủ rợp trắng cả một vùng trời.
Theo ông Tính, thời điểm năm 2014, gia đình lên vườn trồng dừa trên diện tích đất khoảng 1ha. Khoảng 2 năm sau, chim cò bắt đầu kéo về vườn để ngủ qua đêm rồi sáng sớm mai lại bay đi kiếm ăn. Lúc vườn dừa được 5 năm tuổi, bắt đầu thu hoạch trái thì đàn cò kéo về ngày càng đông.
“Lúc đó, tôi nói vui nếu mấy ông có ý ở lại thì tôi xin nhường vườn dừa này cho các ông ở. Không ngờ, chỉ một tháng sau đó đàn cò hàng ngàn con kéo về trú ngụ, làm tổ. Thấy thương tụi nó, tôi với vợ quyết tâm dành đất cho đàn cò sinh sống”, ông Tính chia sẻ.
Cò, còng cọc kéo về sinh sống, làm tổ, không ngừng sinh sôi nảy nở tại vườn dừa. Hiện, khu vườn dừa của ông Tính đã có hơn 10.000 cá thể gồm cò, còng cọc, chim bánh ít, chim trích…. Thường ban ngày, đàn chim cò đi kiếm ăn, đến tầm 3-4 giờ chiều thì trở về vườn dừa. Cò về, đậu dày trên những tán dừa. Nhiều cò về muộn không có chỗ đậu, buộc phải ngủ lại dưới đất. Ngoài ra, trên những tán dừa là hàng trăm tổ chim, cò. Cảnh cò mẹ mớm cò con ăn, đàn cò bay rợp trời tìm chỗ đáp khiến nhiều du khách thích thú khi đến tham quan vườn cò.
Để đàn cò có thêm môi trường sinh sống, vừa qua, ông Danh Tính quyết định trồng thêm dừa, mở rộng khu vườn lên 2,5ha. “Nhiều người bảo tôi làm chuyện khùng, nhường đất cho chim cò sinh sống chẳng cho lợi nhuận nhiều bằng việc hái dừa bán. Vợ chồng tôi thì lại có suy nghĩ khác, từ khi đàn cò về đây trú ngụ, chúng tôi được gần gũi với thiên nhiên, cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn”, anh Danh Tính chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân (vợ ông Tính) cho biết, sẽ cố gắng giữ vườn cò để người dân địa phương, khách du lịch khi đặt chân đến huyện An Minh có một địa điểm tham quan thú vị. Để tránh những đối tượng xấu săn bắt, phá vườn cò, vợ chồng ông Tính luôn theo dõi, túc trực thường xuyên. Có lần bắt được nhóm người đặt bẫy, bắn phá đàn cò, ông chủ động xin công an tha lỗi cho họ, rồi còn mời họ vào vườn dừa dùng bữa cơm cùng gia đình để khuyên nhủ, giãi bày. Nhờ đó, đàn cò yên tâm sinh sống, ngày một phát triển đông đúc theo thời gian.
“Nếu đủ duyên, vợ chồng tôi mong muốn có thể duy trì và gắn kết với đàn cò đến hơi thở cuối cùng. Đàn cò giờ trở thành người bạn tâm tình của gia đình tôi”, bà Xuân thổ lộ.
“Biệt đội” bảo vệ cá sông
Những ngày gần đây, người dân hiếu kỳ tập trung tại đoạn sông trước đình thần An Bình, TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) để dõi mắt theo đàn cá sông hàng ngàn con tập trung ở đây. Đàn cá ken đặc với nhiều chủng loại như cá mè vinh, cá tra, cá chép… khiến người dân cảm thấy thích thú. Chuyện dẫn dụ cá sông không còn hiếm ở ĐBSCL nhưng chuyện thành lập cả một “biệt đội” để bảo vệ đàn cá sông như cách mà người dân TP Hồng Ngự đang thực hiện thì không phải nơi đâu cũng làm được.
Xuất phát từ ý tưởng bảo tồn và nuôi dưỡng đàn cá sông, tái tạo nguồn lợi thủy sản thiên nhiên, ông Trương Minh Hải, tổ trưởng, cùng khoảng chục người tại địa phương thành lập “Biệt đội bảo vệ cá sông”.
Bắt tay thực hiện, cả biệt đội mua cây tạp, chất chà dưới lòng sông, bên trên thả lục bình che mát cho cá có nơi trú ngụ trên diện tích khoảng 2.000m2. Ngoài ra, để tránh các đối tượng xấu đánh bắt cá, nhóm dùng thanh tre rào xung quanh, cắt cử người thường xuyên có mặt tại đây để bảo vệ đàn cá sông.
“Đàn cá khi sinh sôi nảy nở sẽ làm giàu thêm nguồn lợi thủy sản trên dòng sông. Đây cũng là cách để bảo vệ thủy sản một cách bền vững. Cả tổ quyết tâm không để đàn cá bị tổn hại bởi những đối tượng xấu, để mai đây đàn cá lại vùng vẫy khắp nơi”, ông Hải chia sẻ.
Bà Trần Kim Phỉ, người dân ở TP Hồng Ngự mang bịch cá đến thả tại khu vực Biệt đội bảo vệ cá sông quản lý. “Lúc trước thả cá ra sông cứ sợ các đối tượng dùng xuyệt điện bắt cá mình vừa thả. Còn bây giờ, tôi thả ở đây cá được bảo vệ, chăm sóc nên tôi rất mừng”, bà Phỉ hào hứng nói.
Được biết, đoạn sông bảo vệ cá từ cầu Nguyễn Tất Thành đến cầu Sở Thượng dài 3km cũng là vùng nước mà UBND TP Hồng Ngự cấm đánh bắt cá từ 2 năm trước. Với phương châm mưa dầm thấm sâu, biệt đội bảo vệ cá sông đã tổ chức gặp gỡ với nhiều người dân địa phương để tuyên truyền, khuyên răn, từ đó tình trạng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt ngày càng giảm.
Bí thư Thành ủy TP Hồng Ngự Lê Hà Luân cho biết, thành phố định hướng phát triển đoạn sông trên thành điểm du lịch cộng đồng. Thời gian tới, khi du khách ghé thăm “thủ phủ cá tra” Hồng Ngự sẽ được ngắm đàn cá sông, cho cá ăn và phóng sinh cá tại đoạn sông được bảo vệ.
“Huyện dự định mở rộng vùng bảo vệ cá sông, kết hợp với bảo tồn. Việc làm này vừa có ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa giúp người dân có thêm thu nhập từ việc bán thức ăn và các dịch vụ đi kèm”, ông Luân chia sẻ.