Thầy Trần Anh Tuấn vẫn nhớ: “Đã có nhiều mô hình dạy tiếng Việt khá rầm rộ rồi, nhưng không tồn tại lâu. Vợ chồng tôi bàn nhau cứ mạnh dạn tổ chức lớp học, thu học phí ở mức vừa phải để chủ động duy trì việc dạy học. Phụ huynh tham gia đóng góp sẽ có trách nhiệm hơn, các con học hành ý thức hơn, như thế mới đi được đường dài”.
Là Trưởng Ban đại diện của người Việt kinh doanh trong Trung tâm châu Á Budapest, thầy Trần Anh Tuấn cùng với các anh em trong ban đại diện đã thương lượng với ban giám đốc của trung tâm để mượn phòng học tại đó. Người đầu tiên được mời tới dạy từ tháng 6-2010 và bền bỉ đứng lớp cho tới nay chính là cô Phương Hồng. Từng là giáo viên dạy piano cho trẻ em gốc Việt tại Budapest, cô Phương Hồng cũng chung mong muốn tìm thêm cách thức để học trò được tiếp cận và nói tiếng Việt nhiều hơn.
Từ đó, cứ mỗi chiều thứ bảy, cho dù khách có vào mua đông đến mấy, vợ chồng thầy Trần Anh Tuấn cũng thay phiên nhau lên tầng bốn “gánh” lớp cùng cô Phương Hồng. Cứ thế, người lo dạy, người gắng kiếm đủ học sinh, người tổ chức lớp, người sáng tạo hoạt động ngoại khóa..., lớp tiếng Việt dần trở thành Trung tâm Tiếng Việt Budapest tại Hungary trong khung cảnh tầng dưới người lớn tấp nập bán mua, tầng trên trẻ nhỏ thi đua học hành.
Thầy Trần Anh Tuấn (bìa phải) và các giáo viên Trung tâm Tiếng Việt Budapest tại Hungary |
Vốn là kỹ sư nông nghiệp, trước khi sang Hungary, thầy Trần Anh Tuấn từng tham gia giảng dạy chuyên ngành chăn nuôi tại Trường Đại học Nông nghiệp 4 ở TPHCM. Nghề nghiệp “không liên quan đến việc dạy tiếng Việt”, nhưng khi xa quê, thầy Tuấn vẫn nhiệt tình gánh lấy công việc của Trung tâm Tiếng Việt. Nỗi lòng người “chở” chữ qua sông sao mà hợp với những câu thơ của Lưu Quang Vũ đến thế: Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Cho đến nay, những điều quan trọng giúp con thuyền “chở” tiếng Việt trên sông Danube chảy qua Budapest được xuôi chèo mát mái đó là coi dạy và học tiếng Việt là một trong những hoạt động cộng đồng thiết thực, thu nhập không phải mục đích chính và chi phí luôn được ưu tiên hỗ trợ từ các hoạt động khác, giáo viên là những người vừa có trình độ, vừa có uy tín trong cộng đồng và có sự bền bỉ với tình yêu tiếng Việt.
Trong số 6 thầy cô trực tiếp đứng lớp hiện có cả giáo sư, giảng viên đại học. Không hoạt động vì mục đích kinh doanh nhưng trung tâm luôn tự cân đối được thu-chi để không bị phụ thuộc nguồn tài trợ của một tổ chức hay cá nhân nào.
Đầu năm học này, Trung tâm Tiếng Việt Budapest chiêu sinh được 80 em, con số rất đáng ghi nhận trong cộng đồng khoảng hơn 5.000 người Việt đang định cư tại Hungary. Bên cạnh đó, việc mở thêm điểm dạy ở Trung tâm Thương mại Thăng Long gần đây đã giúp phụ huynh phần nào giải quyết được trở ngại về đưa đón con cái. Từ chỗ phải đi vận động tuyển sinh, nay phụ huynh đã tự tìm đến trung tâm đăng ký học cho con.
Những nỗ lực bền bỉ ấy cũng được tiếp thêm sức mạnh từ sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary cũng như các tổ chức, hội đoàn của người Việt tại đây.
Theo khảo sát thì độ tuổi học tiếng Việt của các em ở nước ngoài thường từ 7-16 tuổi. Sau 16 tuổi, các em có xu hướng dừng học tiếng Việt để tập trung cho giai đoạn trung học với nhiều môn mới. Nhưng gần đây, Trung tâm Tiếng Việt Budapest vừa mở thêm được lớp B1 cho các em đã biết tiếng Việt tương đối tốt nay muốn nâng cao kỹ năng nghe- nói- đọc- viết trong giao tiếp, soạn thảo văn bản và mở rộng kiến thức về văn hóa Việt.
Đây là tín hiệu tích cực giúp mở rộng mục đích, ý nghĩa của học tiếng Việt ở nước ngoài. Không chỉ gìn giữ tiếng mẹ đẻ mà học tiếng Việt còn là cơ hội định hướng và phát triển nghề nghiệp tương lai.