Thực tế, có những người sẵn lòng giúp đỡ khi ta gặp khó khăn, nhưng sự giúp đỡ ấy chỉ nằm ở khía cạnh lòng trắc ẩn. Còn giúp đỡ đi kèm với thúc đẩy là một hành động có thể gọi là nghĩa hiệp, với một trách nhiệm tương trợ đặc biệt.
Khi tham gia hoạt động thiện nguyện trong nhiều năm, tôi nhận ra rằng lòng trắc ẩn là vô cùng cần thiết, nhưng cần thiết hơn hết, đó chính là sự support, tức giúp đỡ và thúc đẩy để đi đến kết quả cuối cùng.
Ví dụ, để hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai, bão lụt miền Trung, một họa sĩ rao lên trang cá nhân bán đấu giá một bức tranh, thì lúc này cần nhất là một người support.
Với khả năng tài chính cộng với lòng trắc ẩn bẩm sinh của mình, họ sẽ giúp mua tranh với một số tiền khả dĩ có thể làm được một việc gì đó ý nghĩa. Hoặc trong những lúc khó khăn, không một ai dám lên tiếng, khi sự việc có nguy cơ rơi vào bế tắc, thì họ đứng ra, không phải vì cá nhân mình mà vì cái chung, vì mục tiêu tốt đẹp mà mọi người đang hướng tới.
Đó là nói ví dụ để mọi người hiểu thêm về ý nghĩa từ "support" cũng như thấy được sự quan trọng của người support.
Và, một trong những người mà tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng, quý mến, đó chính là nhà thơ Lâm Xuân Thi – ông chủ của thương hiệu xe đạp Martin 107. Trong các chương trình thiện nguyện nhằm hỗ trợ đồng bào miền Trung bị thiên tai, bão lụt trong năm qua, lặng lẽ quan sát, tôi thấy anh Lâm Xuân Thi đã hỗ trợ cho rất nhiều nhóm, nhiều cá nhân.
Cái cách anh làm thật lặng lẽ, vì tôi biết anh không có nhu cầu PR bản thân, nhưng anh luôn đứng sau những người thiện nguyện, để họ tin rằng lúc nào mình cũng được tiếp lửa. Không gây sự chú ý ồn ào, nhóm này anh góp chục triệu, nhóm kia cũng chục triệu, thấy hoàn cảnh nào khó khăn quá thì anh ủng hộ thêm. Cứ như thế, trong một đợt quyên góp, anh cũng xuất hầu bao vài trăm triệu, nhưng tế nhị, nhẹ nhàng.
Cá nhân tôi, khi rao bán 3 bức tranh do các em học sinh vẽ để góp cho bà con Quảng Ngãi, anh Lâm Xuân Thi cũng mua ngay với giá 10 triệu đồng, mặc dù tôi chỉ ra giá là 6 triệu đồng. Tất nhiên, không chỉ một lần, mà rất nhiều lần, trong suốt nhiều năm liền. Không nói chuyện tiền bạc, nhiều hay ít, nhưng việc hỗ trợ kịp thời của anh vừa là kết quả vừa là động lực để chúng tôi tiếp tục bước chân thiện nguyện trên mọi nẻo đường.
Một người nữa, mà tôi rất muốn nhắc đến, đó chính là người bạn cùng quê Quảng Ngãi với tôi, doanh nhân Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Nhập khẩu thực phẩm Thiên Bút. Chỉ với cái tên công ty thôi cũng đủ thấy bạn là người nặng tình với quê hương Quảng Ngãi thế nào. Và, Thiên Bút cũng là tên mà bạn dùng đặt cho cậu con trai của mình, với tâm nguyện con cái luôn hướng về quê hương, học hành thành tài, mang tài năng giúp đỡ cho bà con nghèo.
Cũng như Lâm Xuân Thi, Trần Thanh Phong là người giàu lòng trắc ẩn, nhưng quan trọng hơn, như tôi nói, đó chính là khả năng support. Trong nhiều năm qua, Trần Thanh Phong, cùng tôi và một người bạn nữa là Phó GS.TS.BS Lê Minh Khôi (Trưởng Đơn vị Hình ảnh tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) đã thực hiện nhiều chuyến thiện nguyện, khám bệnh, phát thuốc miễn khí cho bà con nghèo ở Quảng Ngãi.
Kinh phí cho một chuyến đi với mấy chục bác sĩ, thiết bị y tế, thuốc men; khám bệnh, phát thuốc cho cả ngàn người, là vô cùng lớn, tính tiền tỷ. Nhưng tôi thấy Trần Thanh Phong vẫn đầy nhiệt huyết.
Cứ mỗi chuyến đi, bạn lại muốn phải làm tốt hơn, dù chi phí phát sinh lớn hơn. Có lẽ, ít có chương trình khám bệnh từ thiện nào, mà bà con nghèo được xét nghiệm máu, siêu âm, để nếu phát hiện bệnh hiểm nghèo thì có kế hoạch chữa bệnh lâu dài. Và, dĩ nhiên Trần Thanh Phong sẽ tài trợ toàn bộ viện phí.
Chúng tôi có một nhóm sinh hoạt văn chương, nhỏ thôi nhưng chân thành, ấm áp. Thỉnh thoảng, chúng tôi tổ chức một buổi tọa đàm, một cuộc ra mắt sách, chủ yếu để "hâm nóng" không khí văn chương đang dần tan loãng, tẻ nhạt.
Tôi là người thường đứng ra lo tất cả các việc "bếp núc" cho những cuộc chơi này. Do đó, tôi vô cùng biết ơn những người hỗ trợ mình. Một trong những người mà tôi lấy làm cảm kích, đó chính là họa sĩ Lê Sa Long. Năm 2020 vừa qua, có thể nói là năm mà họa sĩ Lê Sa Long có nhiều gặt hái trên con đường nghệ thuật. Chỉ riêng với triển lãm “Khẩu trang & người nổi tiếng” đã cho thấy tâm thế thời đại và nét tài hoa trời cho của họa sĩ Lê Sa Long.
Với riêng tôi, Lê Sa Long là một họa sĩ vẽ chân dung văn nghệ sĩ rất tài tình. Cứ buổi tọa đàm hay ra mắt sách nào mà có Lê Sa Long xuất hiện thì y như rằng có một sự bùng nổ đầy bất ngờ. Những bức tranh chân dung của Lê Sa Long là món quà nghệ thuật vô giá.
Tôi rất quý mến anh Lê Sa Long vì biết anh bộn bề bao việc, cũng chẳng phải là nhẹ gánh mưu sinh, nhưng anh luôn nhiệt tâm, hào sảng với bạn bè văn nghệ. Anh không support cho chúng tôi về tài chính, nhưng support hết cỡ về tinh thần, trong đó có niềm vui trong trẻo của nghệ thuật cho đi mà không hề toan tính.
Còn, còn nhiều nữa những con người như thế, mà tôi dành để một dịp khác sẽ kể.
Trở lại chuyện support/hỗ trợ, tôi xin nhấn mạnh rằng, ngoài lòng trắc ẩn nó còn hàm chứa tinh thần trách nhiệm, những nỗ lực vì cộng đồng. Nó mang tính kỹ thuật nhiều hơn là cảm xúc thông thường. Xã hội càng hiện đại thì càng cần những con người “giỏi kỹ thuật” như vậy. Những người không chỉ biết yêu thương mà còn hành động không ngừng để bày tỏ lòng yêu thương ấy.
Bởi tôi cho rằng, đã qua rồi cái thời yêu mà chỉ biết yêu thầm, hoặc chỉ là nói suông mà không hề hành động. Và, tôi gọi đó là những người chạy tiếp sức trên hành trình yêu thương của chúng ta. Xã hội cần có nhiều người mạnh mẽ trong những cuộc chạy tiếp sức như vậy.