Những người “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”

Những người “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”

Thành ngữ “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nếu hiểu theo nghĩa tích cực thì thường được dùng để chỉ những người chuyên lo chuyện ngoài xã hội mà chẳng tính toán thiệt hơn cho mình… Theo hướng ấy, chúng tôi cũng dùng thành ngữ này để nói về những con người đã và đang miệt mài góp sức mình vào việc lập lại trật tự an toàn giao thông trên đường phố và giúp những người không may bị tai nạn giao thông tái hòa nhập cộng đồng.

  • Những người chạy Honda ôm ở ngã tư Cây Da Sà

Ngã tư Cây Da Sà là điểm nóng về an toàn giao thông bởi 2 con đường hợp nên ngã tư này là Bà Hom và An Dương Vương đều rất hẹp, chỉ khoảng 4m nhưng luôn phải tải một lượng lớn phương tiện giao thông đổ về từ Tỉnh lộ 10 nối TPHCM với tỉnh Long An. Thời gian gần đây, xung quanh khu vực này mọc lên rất nhiều nhà máy, xí nghiệp cuốn hút nhiều lao động các nơi đến làm việc, sinh sống khiến cho tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông ở ngã tư Cây Da Sà thêm trầm trọng. Chuyện kẹt xe vì thế đã trở thành chuyện thường ngày ở khu vực này.

Những người “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” ảnh 1

Anh Võ Thiên Dưỡng tham gia giữ trật tự giao thông tại ngã tư Cây Da Sà.

Cảnh sát giao thông, công an khu vực đã vào cuộc để giải quyết bất cập này. Tuy nhiên, cái khó là các anh không thể túc trực 24/24 bởi còn phải đảm đương nhiều nhiệm vụ khác… Thế là đã có một nhóm tình nguyện làm trật tự viên an toàn giao thông gồm 11 người chạy xe Honda ôm và 2 đầu bếp nhà hàng trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Cứ, Đội trưởng nhớ lại: “Thoạt đầu là do anh em… chạy xe ế, dựng xe, ngồi tụm lại ở ngã tư Cây Da Sà chờ khách thấy kẹt xe bèn “nhảy ra” chỉ đường cho mọi người đi. Ban đầu, đã có không ít người quát thẳng vào mặt chúng tôi rằng: Các ông là cái quái gì mà bảo người này phải chạy đường này còn người kia phải qua đường khác?”. Buồn lắm nhưng nghĩ mình làm việc nghĩa, có thiệt chút đỉnh cũng chẳng sao nên cứ cắn răng mà làm…”.

“Làm riết rồi yêu công việc này lúc nào không hay” - anh Võ Thiên Dưỡng, một thành viên khác của đội bộc bạch. Vâng, có lẽ nhờ tình yêu này mà một người đang mang gánh nặng gia đình trên vai: nuôi vợ ở nhà nội trợ và 2 con đang tuổi đi học chỉ bằng nghề chạy Honda ôm như anh Dưỡng mới có thể dành một phần không nhỏ thời gian của mình cho công việc lập lại trật tự giao thông. Người dân ở đây kể lại: “khi nào có kẹt xe là y như rằng có anh Dưỡng”.

Cùng với anh Dưỡng, các anh Trần Chích Bình, Hoàng Ích Quý, Lìu Màu Phính… đều là những người chạy xe Honda ôm luôn có mặt ở ngã tư Cây Da Sà khi trật tự giao thông ở đây có dấu hiệu xấu.

“Thoạt đầu, vợ con của một số người trong nhóm cũng càm ràm vì chúng tôi ham việc xã hội mà để cho thu nhập thấp đi” - nhiều anh trong nhóm đã tâm sự như vậy. Mới đầu cũng bực nhưng thấy vợ con nói… không sai nên các anh đã bàn với nhau: chia nhau ra để làm việc.

Người nào có khách thì cứ đi, người chưa có khách, đang chốt tại ngã tư… làm nhiệm vụ. Luân phiên nhau như thế, kết quả là “việc nhà, việc nước đều vẹn toàn”. Được một thời gian nhiều người quanh vùng cảm phục vì nghĩa cử của các anh đã mời các anh làm “mối ruột” đưa đón con em họ đi học, đưa người già đi chợ… nên dần dà thu nhập của nhiều người cũng ổn định hơn.

Việc điều chỉnh, cải tạo lại giao thông ở ngã tư Cây Da Sà đang được ngành chức năng khẩn trương thực hiện. Có lẽ trong một tương lai không xa nữa, nạn ùn tắc giao thông ở đây sẽ được hạn chế, song hình ảnh của các anh chạy xe Honda ôm, các đầu bếp nhiệt tình hướng dẫn bà con đi lại vẫn sẽ là một biểu tượng đẹp về tinh thần vì cộng đồng.

  • Những tình nguyện viên khuyết tật

Ra đời từ tháng 12-2003 đến nay, Khoa Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống tại Bệnh viện điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (số 125/61 Âu Dương Lân phường 2, Q8 TPHCM) đã điều trị cho hàng trăm ca chấn thương tủy sống, mở ra cơ hội phục hồi cho các bệnh nhân bị liệt chi, liệt toàn thân… Theo bác sĩ Phạm Bá Cường, Quyền Trưởng khoa, ở đây có đến 70% các ca chấn thương tủy sống là do tai nạn giao thông, số còn lại có nguyên nhân từ các vụ tai nạn lao động và các chấn thương thể thao.

Làm việc cùng với các y bác sĩ ở đây là hơn 10 người tàn tật. Những người khuyết tật đến đây làm gì? Lưu Thị Ánh Loan là một trong những người ấy giải thích: Là người khuyết tật nên hơn ai hết tôi hiểu được người ta sẽ bị “sốc” như thế nào khi đang là một người bình thường bỗng dưng bị tàn phế.

Chính vì vậy, chúng tôi đến đây để an ủi họ. Nhóm tình nguyện khuyết tật này đã an ủi và tư vấn được cho hàng trăm người bị tàn tật vào chữa trị tại bệnh viện này. Anh Nguyễn Thanh Lưu (20 tuổi, quê ở Phan Thiết) bị tai nạn giao thông vào tháng 10-2004. Vụ va chạm đã làm anh bị chấn thương cột sống và liệt 2 chân. Khi mới bị tai nạn, anh đã bi quan cho rằng “đời mình, thế là hết” và có nhiều hành vi tiêu cực như trầm uất, thất vọng, đau khổ…

Thế nhưng nhờ có Loan và các bạn của cô an ủi, hướng dẫn luyện tập thể lực, anh Lưu đã tìm lại được niềm vui sống. Hiện anh Lưu đã có thể ngồi dậy, đi lại bằng xe lăn và làm một số việc phục vụ bản thân. Giống như anh Lưu, anh Nguyễn Văn Lâm (quê ở Bình Phước) đã bị tai nạn giao thông rồi chấn thương cột sống cổ dẫn đến tứ chi bị liệt, phải nằm bất động trong một thời gian khá dài vào cái tuổi 20 đẹp nhất của một đời người.

Anh Lâm cũng từng đau khổ, thất vọng… và rồi gặp nhóm tình nguyện viên khuyết tật. Họ đã an ủi, động viên và cùng chia sẻ nỗi bất hạnh này với anh Lâm. Mới đây nhất, được sự giúp đỡ của nhóm tình nguyện, anh Lâm đã bắt đầu tập viết lại và sử dụng máy vi tính… “Khi nào viết được chữ đẹp mình sẽ khoe với các bạn” - anh Lâm đã nói với chúng tôi như vậy.

Có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những người là “mạnh thường quân” của Tổ chức Quốc tế về người tàn tật (Handicap International - Bỉ). Chính sự đóng góp của họ đã giúp cho bệnh viện có thể điều trị cho nhiều bệnh nhân nghèo với chi phí chỉ bằng 30%, 50%, 70%/ tổng chi phí (tùy đối tượng). Không chỉ có thế, Handicap còn giúp hàng tỷ đồng đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật cho bệnh viện để chữa trị cho những người tàn tật.

Vậy đấy, không bao giờ và không ở đâu thiếu những tấm lòng vàng. 

Thảo Nguyên - Cao Thăng

Tin cùng chuyên mục