Nhiệm vụ... hỏi thăm mỗi ngày
Đợt dịch thứ 5, khu vực dân cư phường Thạc Gián (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã trở thành khu vực cách ly do ghi nhận hàng chục ca nhiễm khởi phát từ ca bệnh đầu tiên.
Hằng ngày, công việc của ông Trần Đình Hùng (Tổ phòng chống Covid – 19 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cùng với những thành viên khác là đi đến từng nhà kiểm tra nhân hộ khẩu, đo thân nhiệt, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng chống dịch tại từng hộ gia đình. Công việc là vậy thế nhưng điều này đã được ông Hùng truyền đạt thành những câu chuyện hỏi thăm ngày thường.
“Hôm nay, nhà mình có gì vui không anh, chị?”, đây là câu cửa miệng của các thành viên khi đến mỗi gia đình. Mặc trang phục bảo hộ, các thành viên lần lượt đến từng nhà thực hiện việc điểm danh, đo thân nhiệt,....
“Làm những nơi nguy hiểm không ai dám uống nước hay đi vệ sinh chỉ khi nào công việc xong xuôi, đến khu vực an toàn, chúng tôi mới trút bỏ bộ đồ bảo hộ kín này thật cẩn thận bởi nếu tháo không đúng cách sẽ dễ bị lây nhiễm”, Đại úy Nguyễn Minh Huy, Công an phường Thạc Gián (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Dường như đã trở thành thói quen, mỗi khi có những người mặc trang phục bảo hộ đến thăm, các thành viên trong mỗi gia đình tự động ra trước cửa nhà lần lượt xếp hàng. Nếu một trường hợp có biểu hiện sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt... các thành viên cũng nhẹ nhàng nhắc nhở trước mắt họ đeo khẩu trang và ăn uống thật đầy đủ để giữ gìn sức khỏe.
Nhẹ nhàng, thoải mái nhưng không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch là tinh thần mà ông Hùng cùng các thành viên trong tổ phòng chống dịch Covid-19 cộng đồng đang thực hiện mỗi ngày. Theo ông Hùng, ngoài việc giám sát, phát hiện và báo cáo ngay qua điện thoại cho chính quyền địa phương và đơn vị y tế những trường hợp có biểu hiện bất thường thì điều quan trọng hơn vẫn là tạo một tâm lý thoải mái đối với người dân tại khu vực cách ly.
“Là những F tiềm năng có liên quan đến ca bệnh khởi phát, họ cần phải yên tâm ở yên một chỗ, tránh lây lan dịch bệnh thì việc phòng chống dịch Covid-19 mới thật sự hiệu quả. Vì vậy nếu họ cần, thiếu thứ gì thì tổ phòng chống Covid-19 của chúng tôi có thể giúp đỡ tận tình”, ông Hùng chia sẻ.
Giám sát chặt chẽ người về từ vùng dịch
Từ khi dịch Covid-19 trở lại, mỗi ngày, tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng Nại Hưng 2A (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đều ra quân tuyên truyền, nhắc nhở đảm bảo thông điệp 5K tại khu dân cư bằng các loa lưu động. Với đặc thù địa bàn rộng, nhiều kiệt nhỏ, xe quy tắc của phường có thể không vào được nên các tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng đã sử dụng xe máy chở theo loa kẹo kéo để đi tuyên truyền thông tin phòng dịch đến từng con ngõ, từng nhà dân. Đến các ngã tư đường, điểm họp chợ, công viên, xe của các thành viên sẽ dừng lại để loa phát khuyến cáo 3-4 lần rồi mới tiếp tục di chuyển sang các kiệt, ngõ khác.
Bà Ngô Thị Huyền Tâm, tổ trưởng tổ phòng chống dịch Covid – 19 Nại Hưng 2A (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), hoạt động trên tinh thần tình nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn của đơn vị y tế. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ vài chục hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.
Nguyên nhân bùng phát trở lại đợt dịch lần thứ 5 tại Đà Nẵng được xác định nguồn lây từ bên ngoài xâm nhập vào thành phố. Chính vì vậy, ngoài vấn đề kiểm soát dịch tại các cửa ngõ, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia tố giác nếu phát hiện trường hợp người lạ về, đến từ địa phương có dịch là một trong yếu tố quyết định.
“Các tổ sẽ bám sát từng hộ dân, báo cáo hằng ngày về cho tổ trưởng, tổ trưởng có nhiệm vụ báo cáo về cho chính quyền địa phương đối với những trường hợp đau sốt, ho, rát họng hoặc những trường hợp đi đến địa bàn khác hoặc từ địa bàn khác quay trở về, những ca liên quan đến F,...”, bà Tâm chia sẻ.
Theo ông Dương Văn Thu (trú 25 Lê Cảnh Tuân, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), người dân tại địa phương sẽ ký cam kết không đi khỏi nơi cư trú, thực hiện đúng các quy định 5K của Bộ Y tế và khuyến cáo người dân khi có người lạ đến khu vực sinh sống thì phải báo ngay với cơ quan chức năng để can thiệp, xử lý. Điều này khác biệt hoàn toàn so với đợt dịch đầu bởi những bản cam kết này thường chỉ áp dụng với các trường hợp cách ly tại nhà.
“Bản cam kết này là minh chứng cho việc người dân sẽ cùng với chính quyền trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sớm trở về bình thường”, ông Thu chia sẻ.
Nhiều đợt dịch trải qua, hoạt động của tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng cũng ngày càng đa đạng. Tuy nhiên, dù có thay đổi đến thế nào thì họ cũng vẫn là cầu nối chủ động về công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Bởi đây cũng là minh chứng cụ thể của thế trận lòng dân, sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đẩy lùi Covid-19.