Tôi ngày đó hẳn nhiên còn nhỏ xíu, cái đầu còn cao chưa tới mặt bàn, để nhìn được mẹ và chị gói bánh, tôi phải đứng xích ra xa, bước lên cái bục trong nhà mới nhìn được toàn cảnh. Bàn tay của mẹ và chị trông to lớn hơn sau này nhiều, lớn tới mức mà bàn tay tôi trông thật nhỏ bé khi áp vào một bàn tay của cả hai, những chiếc bánh trông thật quá đỗi dễ dàng, tôi tập tành bắt chước nhưng chưa bao giờ làm được một chiếc hoàn chỉnh, tới giờ vẫn vậy.
Những chiếc bánh hoàn thành được để riêng, tôi cầm lên, đưa mũi mình áp sát mà ngửi ngửi, chẳng có mùi gì ngoài hương lá dong. Trên tay chiếc bánh mà ngày đó đã thấy bự quá đỗi, tôi cầm lại chỗ bố.
“Con để tạm trên bàn đi!”
Giọng bố xen lẫn trong tiếng vòi nước chảy, ông đang cọ rửa một chiếc nồi. Tôi hay thấy chiếc nồi này được treo ngay ngắn chỗ bếp củi, vài ngày trong năm nó được trưng dụng để phục vụ những buổi lễ, còn phần lớn thời gian nó chỉ lặng lẽ như ngủ yên nơi góc bếp. Từng chiếc bánh cứ thế xếp lên mặt bàn, chẳng mấy chốc chúng đã phủ kín rồi dần xếp chồng lên nhau.
“Con xây tường thành à?”
Bố nói to. Tôi chỉ cười thích thú, hồi đó tôi chưa hiểu tường thành là gì nhưng do nghe chữ tường nên tôi nghĩ chắc cũng trông như bức tường gạch nhà mình. Khi “bức tường” đã hoàn thành, tôi lại thấy nó trông như một cục gạch, à không, phải là một chiếc bánh chưng khổng lồ mới phải. Bố mang chiếc nồi lại, “tháo dỡ” công trình mà tôi đã kỳ công xây dựng nãy giờ. Những chiếc bánh ngập mình trong dòng nước mát. Và thế, chiếc nồi yên vị trên bếp củi.
Chiều đã buông, mọi người vào nhà ăn cơm, còn bố vẫn ở ngoài. Dưới ánh tà của những buổi chiều chuyển giao đấy, trong bóng tối của căn bếp bùng lên ánh lửa, nó vàng rực và khi mặt trời đã mất biệt, ánh sáng vẫn hiện hữu một góc khu vườn.
“Bố không vào ăn cơm hả mẹ?”
“Bố ở ngoài canh, lát bố ăn sau.”
Gần khuya, bố mới vào, tôi ra thay cho ông. Ngoài đó mắc sẵn hai cái võng, tôi chăm thêm củi rồi leo lên võng nằm. Một lúc sau thì mẹ tôi cũng đi ra, bà ngồi trên chiếc võng còn lại, hồi đó nói là canh nhưng tôi chẳng biết phải làm gì ngoài việc nhét thêm củi vào rồi nhìn chúng cháy, tôi cũng không rõ phải đợi bao lâu mới nấu xong, chỉ nghe mẹ nói là cả đêm nay. Tiếng củi nổ lách tách, những mụi hoa lửa bắn lên không trung chùm bụi đỏ, lâu lâu, mẹ lại chêm thêm nước vào nồi, mãi sau này tôi mới biết nấu phải thêm nước liên tục như vậy, nếu không bánh sẽ khét.
Những đêm thế này, mẹ thường kể chuyện, những câu chuyện gia đình từ cái thuở tôi còn chưa xuất hiện trên thế gian này tới cái thời điểm tôi còn nhỏ hơn bây giờ, cái lúc mà ký ức vẫn chưa in đậm trong tâm trí.
“Hồi đó…”
Mọi câu chuyện đều bắt đầu từ “hồi đó”. Giọng mẹ trầm đi, những lời nói đưa tôi tới một miền tượng tưởng về gia đình, được sống ở một giai đoạn mà bản thân chưa ra đời. Ở đó, tôi hình dung bố trẻ hơn bây giờ, mẹ đã ít nếp nhăn hơn còn chị tôi thì chỉ cao ngang tôi.
“Rồi sao nữa mẹ?”
Tôi hỏi tiếp và mẹ kể thêm, những câu chuyện cứ thế nối nhau suốt đêm muộn, tới lúc tôi thiếp đi lúc nào không hay. Để khi mở mắt, nắng chói vàng khoảng sân, bố đang vớt những chiếc bánh chưng ra. Rồi cả nhà cứ thế phân chia mẻ bánh ra, đâu là để thờ cúng, đâu là biếu tặng, mọi người cứ tất bật như thế.
Bây giờ, khu vườn xưa đã không còn, những câu chuyện mẹ tôi hay kể giờ bà đã không còn nhớ, những bàn tay to bự của mẹ với chị ngày nào giờ cũng không lớn bằng bàn tay tôi và bố cũng không còn cọ rửa chiếc nồi kia vào dịp tết nữa. Chiếc nồi vẫn còn đó, vẫn được trưng dụng vào những dịp lễ và còn lại là ngủ vùi theo năm tháng, chỉ khác là giờ nó đã ngủ qua cả ngày tết. Những ngôi nhà giờ đã sát nhau hơn dù người hàng xóm cạnh ta vẫn ít khi thấy mặt, những nồi nấu bánh chưng đầy khói tỏa hẳn sẽ làm phiền họ. Theo dòng chảy hiện đại, mẹ tôi dần mua bánh chưng ngoài siêu thị.
Sự hiện đại không có lỗi gì ở đây, chỉ là quy luật muôn đời mà chúng ta là những người phải đi theo thời đại, tôi chỉ cảm ơn, cảm ơn cái ngày xưa yêu dấu ấy đã cho tôi niềm vui riêng với gia đình vào ngày tết. Nhà tôi không nấu bánh nữa, những vẫn còn nhiều nồi bánh chưng đang đỏ lửa ngoài kia, và có lẽ, những niềm vui tôi từng có giờ chỉ đơn giản là truyền qua những thế hệ khác mà thôi.
THU PHIẾN
TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh