Chuyện tem phiếu đi chợ hẳn không xa lạ gì với những người thuộc thế hệ trước. Trong những chương trình về ký ức năm tháng đã qua, có những câu chuyện về cửa hàng mậu dịch, sổ gạo, tem phiếu… khiến lớp trẻ hôm nay cứ ngẩn ngơ theo dõi để hiểu thêm về ký ức thời ông bà của mình. Và hôm nay, lớp trẻ 8X, 9X… lần đầu chứng kiến phiếu đi chợ.
Buổi chợ sớm, con cá tươi là lựa chọn quen thuộc của rất nhiều người. Ngay ở TPHCM - đô thị hiện đại nhất nhì cả nước, chợ truyền thống vẫn có vị trí và sức hút riêng bên cạnh những trung tâm thương mại, siêu thị hay mua bán trên các sàn thương mại điện tử. Và chợ truyền thống trong đời sống người phương Nam, không chỉ có thịt cá, rau củ… mà còn gói ghém cả những câu chuyện đời. Sau chuyện con cá, bó rau thì cũng phải vài câu thăm hỏi mới chịu xách giỏ, bởi thế mà ra chợ là đủ biết con nhà ai đậu đại học, gia đình nào sắp cưới gả. Và chợ cũng là nơi mà những ai xa xứ lâu ngày vẫn thích ghé lại mỗi khi về quê. Không cần phải hỏi thăm quá nhiều hay mua sắm thứ gì, nhìn qua cách mua bán, hàng hóa ở chợ cũng đủ đoán được bà con quê mình làm ăn trúng mùa hay eo hẹp.
Bên cạnh chợ, một thói quen mua bán được nhiều người chuộng ở phương Nam chính là những xe hàng rong tới tận ngõ. Trái bí, trái bầu, nải chuối… có thể nhỉnh hơn ngoài chợ vài ngàn đồng, nhưng vì đem tới tận nhà bán nên người ta vẫn khoái mua cho những ngày làm biếng đi chợ. Những xe hàng rong cứ thế mà rong ruổi khắp thành phố, len qua từng con hẻm, tiếng rao qua loa có khi đánh thức cả giấc ngủ trưa… Cũng có khi nhà đã đủ thịt thà, cá mắm nhưng người ta vẫn thích mua thêm một chút, bởi: “Kệ! Mua thêm bó cải giùm bả. Thấy thương, người ta chở tới tận nhà luôn mà”.
Những ngày này, chợ truyền thống đa phần tạm ngừng hoạt động, các cửa hàng, siêu thị giữ trong phạm vi an toàn và cho phép. Nhiều nơi người dân xếp hàng giãn cách, 5K nghiêm ngặt chờ đến lượt mua hàng, nên dẫu có quen cũng chẳng nhận ra nhau để chào và có nhận ra nhau cũng không dám bắt chuyện… Thay thế cho chợ truyền thống, đi chợ online trở thành giải pháp ưu tiên. Không ít người vẫn thấy là lạ, có chút gì đó chưa quen, khi bó rau muống, củ cải, miếng thịt ba rọi… được gói thành túi hàng, giao tận cửa thông qua các ứng dụng đặt hàng trên điện thoại. Bởi chuyện này, ngày thường chỉ có lớp trẻ mới chuộng và gói hàng đa phần là mỹ phẩm, quần áo hay túi xách…
Cánh hàng rong cũng không còn dập dìu trên phố. Cảnh chợ chiều hay chợ đêm của lớp trẻ nhí nhố, xúng xính áo quần rồi ăn vặt cũng không còn. Thay vào đó là không gian tĩnh lặng, người dân hạn chế ra ngoài sau 18 giờ, những cung đường “trùm” kẹt xe ngày thường cũng trở nên lặng lẽ… Một không gian yên ắng, khác lạ, nhưng cũng đành chịu để những ngày giãn cách nhanh chóng đi qua. Để rồi có lúc ngẫm nghĩ lại, chắc người ta sẽ nhắc nhau rằng, trong những ngày khó khăn có lúc chúng ta đã thích ứng bằng giải pháp lạ mà quen, bởi cái phiếu đi chợ mới với tụi mình chứ ông bà, cha mẹ đã rành sáu câu.