1. Vừa đến Bangkok, tôi bay thẳng đến Chiangmai - đóa hoa hồng xinh đẹp phương Bắc - mà không thể ngờ chỉ 1-2 ngày nữa Thái Lan và cả thế giới bước vào phong tỏa và mình bị kẹt lại nơi này vô thời hạn do đại dịch Covid bùng phát.
Vốn đã quen với hình ảnh nhộn nhịp ở thành phố này, tôi bị sốc khi Chiangmai lơ thơ bóng người. Gần như mọi khách sạn, hàng quán, dịch vụ đều đóng cửa, những con phố vốn tấp nập du khách nước ngoài ở Chiangmai lạnh tanh. Mỗi ngày trôi qua, người ta lại rục rịch đóng cửa vì nghe phong phanh chính phủ chuẩn bị phong tỏa toàn đất nước.
Cùng lúc đó, Việt Nam thông báo tạm ngừng tất cả chuyến bay quốc tế, kể cả việc đưa người Việt Nam về nước để ưu tiên kiểm soát dịch trong nước. Tiếp đến, sân bay Thái Lan thông báo đóng cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Tất cả hãng hàng không về Việt Nam dừng hoạt động. Các biên giới đường bộ vào ra Thái Lan đều phong tỏa. Tôi chính thức bị kẹt lại Thái Lan.
Về Việt Nam không được, trở lại Bangkok không xong, ở Chiangmai lại không ổn, tôi quyết định thôi cứ liều lên Pai. Cách Chiangmai gần 150km, Pai là thị trấn phố núi nhỏ xinh thơ mộng, yên ả với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Khó khăn lắm tôi mới tìm được chỗ cho thuê xe máy để chạy lên Pai. Lúc này, các tuyến buýt đi lại ở Thái cũng đã ngừng hoạt động.
2. Đã đến Pai nhiều lần, vậy mà tôi suýt không nhận ra Pai. Không còn những con phố đi bộ dày đặc shop, cửa hàng và du khách. Lác đác trên phố, vài khách Tây thơ thẩn đi dạo. Thì ra cũng có người đồng cảnh ngộ với mình. Đi một vòng mới hay, các bạn Tây bụi đời hơn tôi gấp ngàn lần.
Người trải chiếu giăng màn ngủ trước cửa một quán cà phê vừa đóng cửa. Người thuê những cái chòi gỗ gác sơ sài trên cây, hoang dã, chẳng khác gì nhà của anh chàng người rừng Tarzan.
Các kios cửa hàng và trong chợ đều chăng dây tạo khoảng cách cho khách đến mua hàng. Độc đáo nữa là các bồn rửa tay sử dụng chân đạp đặt trước cổng chợ. Chỉ là thị trấn nhỏ và xa xôi nhưng công tác phòng dịch của chính quyền Pai, đặc biệt là ý thức của người dân lẫn du khách rất tốt. Ở đây không có cảnh nâng giá hay khan hiếm hàng hóa trong hơn 5 tháng bị phong tỏa.
3. Ở Pai được hơn 3 tuần mà ngày về quê hương vẫn mịt mờ. Tôi bắt đầu sốt ruột bèn gửi thư đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok. Hôm sau, nhân viên sứ quán trả lời chưa biết khi nào có chuyến bay. Xác định tinh thần sẽ kẹt lại Thái lâu dài, tôi bắt tay thu xếp lại vấn đề tài chính. Đầu tiên là tiết kiệm tối đa tiền chỗ ở. Trả phòng thuê, tôi đi kiếm thuê chỗ ở khác rẻ hơn.
Anh chàng đầu bù tóc rối dân Chile rủ tôi qua chỗ anh, chỉ 100 baht/ngày (khoảng 80.000 đồng). Vẫn còn cao quá, nghĩ tới nghĩ lui, tôi chọn cách cắm trại. Cách Pai khoảng 8km về phía ngoại ô, có nông trang nhỏ trồng rau nằm cạnh một dòng sông, bao quanh là rừng núi, vốn là điểm cắm trại miễn phí cho dân đi bụi, do dịch Covid nên chủ nhà đóng cửa.
Tôi ghé vào xin dựng lều mấy hôm. Cô chủ nhà không giấu được lo ngại khi tôi là người nước ngoài mới đến, ai biết được mang mầm bệnh hay không. Nhưng sự tử tế vẫn lớn hơn nỗi lo lắng, cô gật đầu.
Tôi tìm mảnh đất ở rìa trang trại để dựng lều. Bắt đầu những ngày tắm suối ngủ rừng, không nhà, không điện, không wifi. Trời mát mẻ tôi mắc võng ngủ dưới gốc cây xoài và đọc sách. Cần tắm gội giặt giũ có con sông kề bên. Đêm đêm, tiếng côn trùng, ễnh ương ếch nhái rền vang quanh lều.
Khi nào có việc cần, tôi chạy xe vào thị trấn rồi quay về tận hưởng không khí trong lành của núi rừng, thưởng thức dưa hấu, xoài, đu đủ chủ nhà cho. Nhàn nhã và phong lưu vậy mà gia đình và bạn bè ở Việt Nam cứ xuýt xoa, lo lắng. Nhịp sống thanh bình hiền hòa ở Pai khiến nhiều lúc tôi quên đang có đại dịch.
4. Cắm trại được ít hôm mùa mưa đến. Pai ngày nào cũng mưa dầm dề, buộc lòng tôi phải di chuyển chỗ ở. May sao, có một hostel, nói đúng hơn là một túp lều tranh giảm giá đặc biệt, tôi xách balo vào ở. Ngày này nối tiếp ngày kia, dịch Covid càng thêm nghiêm trọng. Ngày về quê hương dường như rơi vào hư không. Tiền bạc cạn kiệt dần. Một người không thể ngồi yên một chỗ như tôi giờ đây chỉ quẩn quanh một thị trấn bé xíu, nhiều lúc cảm thấy chán nản.
Nhưng rồi, tôi tự vực lại tinh thần bằng cách đọc sách, tập thể thao, đi dạo ngắm thiên nhiên và nấu những món ăn mình thích. Hostel còn 3 túp lều tranh, nơi ở của 2 anh chàng người Mỹ và anh Thụy Sĩ. Vì không đi đâu được, suốt ngày ở cùng nhau nên mọi người từ khách đến chủ thân thiết như một nhà. Anh bạn người Thụy Sĩ mở lớp dạy kungfu miễn phí cho mọi người, còn tôi nấu ăn và rủ mọi người tham gia.
Nhờ những tháng bị kẹt ở Pai tôi biết thêm được bao nhiêu thứ. Nào là chuối có thể trồng từ gốc to không cần cây con. Nào là việc người Thái trân trọng những cây cổ thụ đến thế nào, muốn đốn một cây to, người ta phải xin phép cây và chỉ khi nào cây “đồng ý” mới được hạ. Nhưng điều đẹp đẽ nhất, vẫn là tinh thần cho đi của người Thái.
Chủ nhà của tôi sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ nên gặp vô vàn khó khăn trong dịch Covid. Một hôm cô bảo sẽ gửi thức ăn cho những chốt biên phòng kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào Pai. Chúng tôi cùng 2 bạn người Mỹ cũng ủng hộ, cả nhóm chở 2 thùng thức ăn và trái cây cho những người lính.
Biết chuyện, chị bạn người Thái của tôi từ Bangkok đã gửi tôi một thùng thực phẩm to vừa để cho tôi dùng, vừa để giúp các anh lính biên phòng. Và tôi thật sự cảm động khi một quán ăn ở Pai cung cấp thức ăn miễn phí cho người dân trong vùng, anh cảnh sát địa phương cũng mời chúng tôi đến nhận. Khi sự tử tế hiện diện, khó khăn nào cũng nhẹ nhàng hơn.
Sau gần 3 tháng, Đại sứ quán thông báo chuyến bay trở về Việt Nam. Tôi rời Pai, nửa vui mừng nửa luyến lưu với mảnh đất và những người bạn chia sẻ cuộc sống với mình trong những ngày cả thế giới phong tỏa vì Covid. Những ngày bị kẹt lại Thái Lan, với tôi không hề trôi qua trong lãng phí.