Ông cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra rằng, tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN còn chậm, chưa đạt kế hoạch và mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam, đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa hoàn tất phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa thoái vốn tại 9/14 DN theo đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các nội dung của đề án, đặc biệt là công tác thoái vốn tại các công ty kinh doanh hiệu quả kém...
Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, nhiều DNNN kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ. Tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam, có 2 DN bị mất an toàn về tài chính là Vicem Tam Điệp và Vicem Hải Phòng, riêng Vicem Tam Điệp do thua lỗ nhiều năm nên lỗ lũy kế tại thời điểm 31-12-2015 là 1.156 tỷ đồng, lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 57 lần… Tổng công ty Lắp máy Việt Nam cũng có tỷ lệ nợ phải trả trên 3 lần vốn chủ sở hữu, đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ chưa có hiệu quả...
Một số dự án đầu tư của DNNN trong giai đoạn trước không đạt hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn, gây lãng phí, thất thoát lớn tài sản nhà nước, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Như 12 dự án đầu tư của các DN thuộc ngành công thương, với số vốn trên 60.000 tỷ đồng, gồm Vinashin, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, các dự án nhiên liệu sinh học, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy gang thép Thái Nguyên...
“Trong những năm qua, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã có nhiều chỉ đạo khắc phục, nhưng qua nhiều năm thực hiện kết quả vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, chưa có bước chuyển biến đột phá. Để chấm dứt tình trạng này, ý thức “tiết kiệm” là điều kiện cần nhưng chưa đủ; cần có thêm vấn đề trình độ quy hoạch, trình độ quản lý kinh tế, kiểm tra, kiểm soát,... để phòng chống tiêu cực”, vị Phó Chủ nhiệm ủy ban nhận định.