Cạnh tranh khốc liệt
Cách nay ít ngày, một số trường đại học thông báo điểm trúng tuyển rất cao, có những học sinh đạt trung bình 9 điểm/môn vẫn có thể trượt. Điều này cho thấy, để có một suất vào các trường đại học (hàng đầu) của nước ta hiện nay rất khốc liệt. Chính áp lực thi cử, sự kỳ vọng của thầy cô, gia đình khiến không ít bạn trẻ “chạy đua” đèn sách, học ngày học đêm vô cùng căng thẳng. Kết quả không như mong đợi, dẫn đến trầm cảm, thậm chí có em tự sát. Chẳng hạn như câu chuyện đau lòng về một nữ sinh 18 tuổi ở Quảng Nam, đã treo cổ tự tử khi nghe tin mình trượt đại học mới đây, khiến dư luận bàng hoàng xót xa.
“Đây là nỗi lo chung của tụi em khi mà chỉ còn 1 năm nữa sẽ bước vào ngưỡng cửa đại học. Ba hướng em thi vào Đại học Y khoa sau này làm bác sĩ như ba, còn mẹ lại mong con làm cô giáo giống mình. Nhiều hôm tới bữa cơm, cả gia đình em căng như dây đàn, em ăn cơm chan nước mắt, mệt lắm. Bản thân em chỉ muốn thi vào ngành ngoại giao hoặc đi du học, không muốn ở nhà để khỏi gặp ba mẹ”, Hoàng Lê Thúy Vân (17 tuổi, ngụ tại Lý Thái Tổ, quận 3) tâm sự.
Minh Quang, 28 tuổi, hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài trên đường Võ Văn Tần, quận 3, chia sẻ về câu chuyện của mình. Năm 14 tuổi, Quang được ba mẹ đưa sang Australia học phổ thông, sau đó học chuyên ngành quản trị nhà hàng, khách sạn. Quang vốn nhút nhát, sống khép kín, lại thường xuyên bị bạn bè nước ngoài trêu chọc nên nhanh chóng rơi vào trầm cảm. Chật vật điều trị một thời gian dài, sau đó bệnh tình thuyên giảm, Quang tốt nghiệp đại học. Tuy vậy, khi về nước, Quang tiếp tục rơi vào vòng xoáy “sốc văn hóa ngược”, phải thích nghi lại từ đầu, nên bệnh trầm cảm tái phát.
Người thân của Quang tâm sự, gia đình cảm thấy day dứt khi chưa có sự chuẩn bị tâm lý thật kỹ cho con trai mình trước khi đi học xa nhà. Nếu được chọn lại, có lẽ họ đã để Quang học ở Việt Nam theo đúng sở thích của anh - học nghề sửa chữa ô tô. Còn Minh Quân, một người bạn của Quang thì nhận xét: “Cậu ta chăm chỉ, thông minh nhưng sống khép kín. Cách cư xử đôi khi kỳ quặc, khó hiểu. Vốn kiến thức xã hội nghèo nàn. Có lẽ đây là hậu quả của việc bạn ấy phải gồng mình chống đỡ nỗi nhớ nhà, sự cô đơn... khi xa ba mẹ, trong khi bạn ấy lại là con một”.
Thay đổi để thích nghi
“Công việc cực nhọc nhưng làm ra tiền là mình thấy ổn. Hiện tại, thu nhập của mình dao động từ 10-12 triệu đồng/tháng; còn những người có bằng cấp cao, chuyên môn tốt, lương và phụ cấp của họ lên tới 20 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2021 này, mình sẽ đăng ký vào một trường nghề để học thêm, nâng cao trình độ chuyên môn, cải thiện thu nhập”, Mai Tiến Quân (22 tuổi, ngụ tại Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đang làm việc tại một công ty sản xuất thực phẩm xuất khẩu, cho biết.
Bà Ngô Minh Cẩm Tú, doanh nhân trong lĩnh vực làm đẹp (quận 3, TPHCM) đánh giá rằng: “Cách nhìn nhận của lớp trẻ ngày nay đã khác nhiều so với ngày xưa. Sự áp đặt của người lớn luôn là gánh nặng đối với con trẻ. Tôi từng là dân trường chuyên, tốt nghiệp tại một trường đại học lớn có tiếng ở TPHCM. Lúc nhỏ cũng tham dự các kỳ học sinh giỏi cấp quốc gia và đoạt giải, nhưng công việc tôi làm hiện giờ không liên quan nhiều lắm tới những gì mình học. Nhưng chính nghề tay trái này lại đem lại thu nhập tốt hơn rất nhiều so với ngành nghề tôi học. Hãy để trẻ tự học những gì chúng yêu thích”.
Đồng quan điểm với doanh nhân Cẩm Tú, anh Trần Trung Nguyên (ngụ tại đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp) chia sẻ, bản thân anh đang làm việc tại một tập đoàn hóa mỹ phẩm của Mỹ. Cách nay khoảng 10 năm, với trình độ trung cấp nghề nhưng anh Nguyên vẫn “liều mình” thi tuyển vào công ty con của tập đoàn này với tỷ lệ chọi cao hơn thi đại học. Không ngờ anh trúng tuyển, phụ trách bộ phận phân xưởng (kiểm tra hóa chất, vận hành máy móc...). Anh vừa làm và học, kiên trì từng chút một nên công việc của anh ngày càng tốt hơn, thu nhập cao hơn, 1.000 USD/tháng...
Hiện nay, sau tác động nặng nề của dịch Covid-19, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp tăng cao, dẫn đến tình trạng nhiều người phải tự chuyển đổi ngành nghề để thích nghi trong tình hình mới. Một số người nhìn nhận rằng, thời điểm này các nghề phụ lại trở thành nghề chính để gia tăng thu nhập, giúp họ ổn định cuộc sống. Do vậy, đừng quá lo lắng nếu cánh cổng trường đại học mà mình ưng ý chưa mở ra, hãy chọn một hướng đi phù hợp nhất để có thể phát huy năng lực bản thân.