Những nét riêng trong “nhạc cà phê”

Những nét riêng trong “nhạc cà phê”

Với những quán cà phê sang trọng, yêu cầu hàng đầu là một phong cách độc đáo để ghi lại ấn tượng trong lòng khách. Đã có những quán chỉ độc mỗi một dòng nhạc, hay thậm chí  quán cà phê Tuấn Ngọc vì chỉ có nhạc Tuấn Ngọc hát mà trở nên nổi tiếng! Nhưng bây giờ chỉ nghe nhạc đĩa thôi thì quá bình thường, nay là thời của cà phê nhạc sống, thậm chí nhạc sống cũng phải thật ấn tượng mới “ăn”!

Ngẫu hứng ca sĩ

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau. Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”. Giọng ca

Những nét riêng trong “nhạc cà phê” ảnh 1

Ca sĩ Duso và ban nhạc biểu diễn tại Miss Digan. Ảnh: Hồ Xung

 quen thuộc của Toàn Nguyễn lại cất lên. Những khách đến nghe Toàn Nguyễn, ông chủ của quán cà phê “Hà Nội và tôi” (số 47 Trần Cao Vân) hát, hầu như chẳng ai khen là Toàn Nguyễn hát hay.

Mà ông ca sĩ có tuổi này lại chẳng thể coi là đẹp trai được! Không luyến láy, không kỹ thuật như những ca sĩ chuyên nghiệp, không ánh sáng phụ trợ, không dàn nhạc đông người. Hàng đêm, dưới ánh sáng vàng nhạt của “Hà Nội và tôi”, một mình Toàn Nguyễn ôm ghi ta tự tình, bất kể có người nghe hay không.

Thế mà, trong cái quán nhỏ ngay giữa khu vực trung tâm Sài Gòn, những câu hát của Toàn Nguyễn như mang về một chút lặng lẽ thâm trầm của người Hà Nội. Giọng hát truyền cảm và sự khác người ấy của ông chủ khiến cho khách đến quán một lần rồi thêm lần nữa.

Quán cà phê “Khúc ban chiều” nằm cuối một con hẻm nhỏ trên đường Ngô Thời Nhiệm (số 6D). Với không gian khoáng đãng, cách bài trí lãng mạn, quán được nhiều trí thức chọn để thư giãn với bạn bè. Điều làm nhiều người cảm thấy thú vị khi đến đây là giọng ca của… nữ nhạc công duy nhất trong quán.

“Tôi chưa bao giờ là ca sĩ. Thành tích lớn nhất trong “sự nghiệp đi hát” của tôi là hạng 3 giải karaoke phong trào của cấp quận!” - chị Phương Thùy, người nữ nhạc công vẫn hát hàng đêm ở “Khúc ban chiều”, nói. Mặc dù chưa bao giờ là ca sĩ, nhưng những bản nhạc Pháp mà Phương Thùy vẫn hát hàng đêm nhanh chóng được khán giả ở đây chấp nhận.

Phương Thùy hiện là giáo viên dạy nhạc tại một trường cấp hai. Cô cũng là sinh viên duy nhất đang theo học chương trình đại học về đàn tỳ bà tại nhạc viện. Nhưng đàn tỳ bà không có chỗ đứng trong các quán cà phê nên Phương Thùy chuyển sang chơi guitar, rồi làm luôn ca sĩ! Sự trái nghề đó đều đã được khán giả chấp nhận.

Thực sự, khán giả ở quán cà phê không hẳn là những người dễ tính, nhưng mọi người đều cảm nhận được cảm xúc trong từng câu hát của cô gái hát không cần cát xê này (chỉ nhận thù lao nhạc công). Dẫu đến nay, hàng đêm “Khúc ban chiều” đều mời ca sĩ phòng trà chuyên nghiệp (Thụy Long và Thanh Hoa) biểu diễn, nhưng tiếng hát của Phương Thùy vẫn là một nét ngẫu hứng rất riêng mà nhiều người tìm đến quán để nghe.

Những nét nhạc riêng

Những nét riêng trong “nhạc cà phê” ảnh 2

Uống cà phê, nghe nhạc trong không gian ấm áp ở “Hà Nội và tôi”. Ảnh: Minh Tú

Ở AQ (đường Trần Cao Vân), hàng đêm có một người đàn ông tuổi ngoài 40 lặng lẽ đến đàn. Anh đàn đủ loại nhạc, nhạc Việt, nhạc nước ngoài và cả những bản nhạc cổ điển. Mỹ – tên của nhạc công đàn piano của quán AQ - cho biết anh là giảng viên ở nhạc viện, trước đây anh từng đàn ở tiền sảnh khách sạn New World trong một thời gian khá lâu.

 “Làm ở New World nhiều tiền hơn nhưng lại không thích bằng ở AQ. Khách ra vô khách sạn thường xuyên, nhưng mấy ai ngồi lại nghe hết một bản đàn. Trong khi đó, ở đây không khí dễ thương hơn nhiều. Khách vừa trò chuyện vừa lắng nghe. Có nhiều khách còn yêu cầu mình đàn bài này hay bài khác. Với một bản nhạc hay, mọi người vỗ tay tán thưởng và điều này còn đáng giá hơn bất cứ thứ gì”.

Chúng tôi đã nhiều lần chìm trong những giai điệu phảng phất, xa xăm của người nghệ sĩ ấy. Khách thích ngôi nhà gỗ và cả khu vườn của AQ, thích những giai điệu ngọt ngào của người chơi đàn piano. Thứ bảy, chủ nhật, AQ có thêm 2 nhạc công chơi guitar thùng và violon, tạo thành nhóm tam tấu…

Những bản độc tấu của cây dương cầm, tạo cho khách cái cảm giác được nghe “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” như ở AQ dần xuất hiện ở nhiều quán cà phê nhạc sống khác. Đó là quán Piano trên đường Hồ Xuân Hương, An Chu trên đường Lý Tự Trọng, Thư Giãn trên đường Trần Huy Liệu…

Ở các quán cà phê nhạc sống, các nhạc công hầu hết đều có việc làm khác, tối đến lại đi chơi nhạc ở quán cà phê, một phần để thỏa niềm đam mê âm
nhạc. Phong cách của ban nhạc cũng trở nên đằm hơn, ăn mặc quy củ, sinh hoạt điều độ hơn những nhạc công chuyên nghiệp tại các sân khấu lớn. Đó là phong cách biểu diễn phù hợp với những nơi thư giãn nhẹ nhàng, yên tĩnh của giới trí thức.

Dòng nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến thường được ưa chuộng tại các quán cà phê. Nhưng để tăng sức thu hút, các quán cà phê luôn cố tìm cho mình một sự đột phá trong phong cách âm nhạc. Từ 3 năm trước, quán YoKo trên đường Nguyễn Thị Diệu đã thực hiện một đột phá thành công khi giới thiệu đến khán giả các ca khúc nước ngoài của dòng nhạc country và phong cách hát acabella, khi đó đang là một điều mới lạ.

Mới đây nhất, Miss Digan ở số 11D Thái Văn Lung đã mở quán với sự thể nghiệm ở các ca khúc nhạc plamengo. Thậm chí, cũng hát cùng một loại nhạc này, cà phê Gió Bắc (công trường Dân Chủ) cũng ghi được dấu ấn riêng với phong cách hát không dùng micro.

Trong không gian nhỏ, ấm cúng của một quán cà phê, những giọng ca cất lên rất phiêu linh, rất “mộc”. Giọng hát không qua bất cứ một hệ thống tăng âm, lọc âm nào làm cho khán giả dễ cảm nhận được tình cảm của ca sĩ hơn…

Góp mặt một cách lặng lẽ, những địa chỉ này không chỉ mang đến những nét lãng mạn rất riêng mà thậm chí đang góp phần tạo nên một phong cách âm nhạc riêng biệt, phong cách âm nhạc phù hợp với những quán cà phê. Các ca sĩ, các nhạc công gần gũi như những người bạn.

Khách nói chuyện với nhau và lời ca, tiếng nhạc cứ đan vào…  “Mưa dầm thấm đất”, các quán cà phê nhạc sống mang đến những hiểu biết, những cảm xúc riêng cho khán giả, là một cách thư giãn dễ thương để bỏ lại sau lưng một ngày tất bật Sài Gòn…

Nhóm phóng viên VHVN

Tin cùng chuyên mục