Ngược dãy Trường Sơn
Năm 1954, thi hành Hiệp định Geneve, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào từ miền Nam đã tập kết ra miền Bắc. Cùng với việc thực hiện chuyển quân, tập kết, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ trương đưa con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam từ các địa phương ra miền Bắc học tập (học sinh miền Nam thế hệ thứ nhất). Từ chủ trương đó, các trường học cho con em đồng bào, chiến sĩ tập kết ra miền Bắc được thành lập với tên gọi ban đầu là Trường Thống Nhất, sau đổi thành Trường Học sinh miền Nam hay còn gọi là Trường Miền Nam.
Sau năm 1958, tổng tuyển cử thống nhất đất nước không được thực hiện. Ở miền Nam, Chính quyền Sài Gòn khủng bố dã man những người kháng chiến cũ. Những năm 1959-1969, thực hiện phương châm “Đào tạo cán bộ miền Nam cho miền Nam”, Đảng ta chủ trương đưa con em các cán bộ đang hoạt động bí mật ở miền Nam, vượt tuyến ra miền Bắc học tập, bằng cả đường bộ và đường hàng không qua nước thứ ba (học sinh miền Nam thế hệ thứ hai).
Xác định cuộc kháng chiến chống Mỹ còn có thể kéo dài, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Đảng ta quyết định tiếp tục đưa con em cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra hậu phương lớn miền Bắc (học sinh miền Nam thế hệ thứ ba).
Từ năm 1954 đến 1975, hơn 32.000 học sinh miền Nam bằng nhiều con đường công khai và bí mật được đưa ra miền Bắc học tập như: theo bộ đội tập kết, đi tàu thủy ra Thanh Hóa, Hải Phòng, đi công khai qua Campuchia sang Quảng Châu, Hồng Công (Trung Quốc); lần lượt ra vùng giải phóng, vào chiến khu Trung ương Cục miền Nam. Từ năm 1971 đến 1973 tổ chức nhiều đoàn đi đường bộ vượt Trường Sơn ra Bắc.
Chuyện thời chiến không chỉ là bom đạn, cung đường Trường Sơn với những trận sốt rét rừng khiến bao người đã nằm lại. Bác Nguyễn Hoa Việt (69 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, học sinh miền Nam trường số 8) chia sẻ: “Hồi đó (năm 1972) nghe sốt rét rừng cũng sợ chứ, nhưng được ra miền Bắc học tập thì niềm vui át đi nỗi sợ. Trong đoàn đi có bộ phận y tế, nên cứ vậy mà đi thôi. Người nhỏ nhất đoàn tầm 13-14 tuổi, còn tôi lúc đó 17 tuổi, biết cầm súng rồi, trên đường đi anh em cũng hay nói với nhau, nếu có chuyện thì mình cũng sẵn sàng cầm súng chiến đấu, chứ không có gì phải sợ”.
Ký ức hôm qua dệt nên hôm nay
Vừa qua, Ban liên lạc Học sinh Miền Nam Trung ương phối hợp với Bảo tàng TPHCM và Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức trưng bày chuyên đề “Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-1975)” tại TPHCM. Đây là lần đầu tiên, những câu chuyện, hình ảnh về một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc được giới thiệu đầy đủ, cụ thể tại TPHCM. Chuyên đề giới thiệu đến công chúng hơn 300 tư liệu, hình ảnh và hiện vật về quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam từ 1954 đến 1975.
Trong những hình ảnh đang trưng bày tại Bảo tàng TPHCM, cô Vũ Phương Mai (sinh năm 1962), chỉ vào một tấm ảnh cũ ghi lại hình ảnh mình cùng các bạn được sơ tán sang Quảng Châu (Trung Quốc) vào tháng 6-1965 và chia sẻ: “Giai đoạn miền Bắc bị đánh phá, địch cũng tìm phương cách tấn công vào các trường học sinh miền Nam, nên lúc đó chúng tôi được đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) cho an toàn và tiếp tục học tập. Nhiều thế hệ học sinh miền Nam ra Bắc học tập lắm, nhưng tùy vào tình hình ở từng giai đoạn mà được bố trí học tại các địa điểm khác nhau. Tôi biết, có những bạn là học sinh miền Nam, nhưng suốt thời gian học tập ở Trung Quốc rồi năm 1975 lần lượt về lại miền Nam hoặc tiếp tục du học ở một số quốc gia khác, chứ không có ở các tỉnh phía Bắc vì giai đoạn đó miền Bắc bị đánh phá, ném bom dữ dội”.
Trong 2 năm 1954 và 1955, các chuyến tàu tập kết đã chở hơn 200.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, thiếu niên từ miền Nam ra miền Bắc. Kể từ đó cho đến ngày kết thúc chiến tranh năm 1975, đã hình thành một cộng đồng người miền Nam tập kết ra Bắc, trong đó có các thế hệ học sinh miền Nam. Trưng bày chuyên đề “Học sinh miền Nam trên đất Bắc” diễn ra tại Bảo tàng TPHCM (65 đường Lý Tự Trọng, quận 1) từ nay đến hết ngày 30-7.
Ký ức ngày hôm qua vẫn còn nguyên vẹn trong bức hình cũ dẫu đôi khi trong những tấm ảnh lịch sử lại không có mình, cô Nguyệt Châu (học sinh miền Nam Trường số 8) xúc động: “Tấm hình này là ngày cô Ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định) ghé thăm và chụp hình kỷ niệm. Bữa đó, tôi có công chuyện đi đâu mất nên không có mặt, trong hình này là toàn bộ bạn bè chung lớp với tôi. Bây giờ, người còn người mất, nhưng mà nhìn lại tấm hình quý lắm, trân trọng những năm tháng đã qua, trong muôn vàn khó khăn của chiến tranh mà chúng tôi vẫn được đến trường, đó là một hạnh phúc và may mắn rất lớn trong đời”.
Trong chiến tranh, nhiều chuyến xe chuyển hàng chi viện cho chiến trường miền Nam theo đường Trường Sơn. Cô Nguyệt Châu quá giang những xe đã xong nhiệm vụ và ngược ra Bắc. “Hồi đó tôi được quá giang, đi ké nhiều xe lắm, nên thời gian đi ngắn hơn, tháng 3-1972 tôi khởi hành thì tới tháng 5-1972 đã đến nơi, chứ nhiều thế hệ trước đi bộ theo đường mòn phải 3-4 tháng mới tới. Bây giờ, nhắc lại nhớ nhiều thứ lắm, nhớ nhất là tên trường mình học là Trường số 8, tên bạn bè trong lớp tôi vẫn nhớ không sót một ai, có những năm tháng đó mới có chúng tôi bây giờ”.
Lịch sử để lại những câu chuyện, hoàn cảnh, mà có lẽ hôm qua, hôm nay và sau này, những lớp người đi qua cuộc chiến, lớp người hôm nay và thế hệ kế cận, sẽ còn mãi tự hào. Bởi dù trong gian khó, luôn có điều xứng đáng dành cho nhau để mãi tự hào, trân trọng những năm tháng đã qua.