Vì nợ nước thù nhà, vào năm Kỷ Hợi 39, Trưng Trắc cùng người em Trưng Nhị chuẩn bị tập hợp lực lượng để bước sang đầu năm 40 phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Hán. Khi cờ khởi nghĩa của hai bà phất lên, nhân dân và Lạc tướng ở quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều nô nức hưởng ứng. Sau gần 1 năm nổi dậy chiến đấu liên tục, quân khởi nghĩa đi đến đâu thắng đến đó. Chỉ một thời gian ngắn hai bà đã dẹp yên, thu phục được 65 thành ấp ở đất Lĩnh Nam. Bà Trưng Trắc được suy tôn làm nữ vương, tức Trưng Vương (40 - 43), đóng đô ở Mê Linh.
°Năm Kỷ Hợi 1239: Về chế độ tuyển mộ, nhà Trần áp dụng chính sách “ngụ binh ư nông”, nghĩa là lúc bình thì làm ruộng, lúc cần thì gọi nhập ngũ; thời bình tuyển theo yêu cầu, thời chiến tuyển theo số hộ khẩu, gọi tất cả đinh tráng ra lính. Phan Huy Chú chép: “Trần Thái Tôn, năm 1239 chọn đinh tráng làm binh, định làm 3 bậc thượng, trung, hạ”.
Năm này, vua Trần Thái Tông ấn định cứ 7 năm tổ chức một lần thi Hội. Cùng năm này, mùa thu, nhà Trần đã công bố thể lệ tổ chức thi các khoa thông tam giáo (Nho, Phật, Lão), khích lệ sự đoàn kết, thống nhất.
Cuối cùng, vua Trần Thái Tông cho xây dựng hành cung Tức Mặc, lập Tiên miếu thờ phụng tổ tiên họ Trần Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư, chép: “Tổ tiên nhà Trần là Trần Kinh đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường”. Hương Tức Mặc xưa, nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
° Năm Kỷ Hợi - 1419: Ngày 29-4 Kỷ Hợi (1419), đúng giờ Thìn, Lê Lai nhận áo Hoàng bào của Bình Định Vương Lê Lợi, cùng một số nghĩa quân cảm tử, từ trên núi Linh Sơn xông thẳng vào vòng vây giặc Minh ở đồn Nga Lạc (Thanh Hóa ngày nay) tả xung hữu đột. Trận tử chiến không cân sức, Lê Lai bị giặc bắt đưa về thành Đông Quan (Hà Nội bây giờ). Giặc Minh có tướng Nguyễn Sao bị nghĩa quân giết chết. Lê Lai cũng bị giặc Minh hành hình. Lê Lợi sai người ngầm tìm được thi hài Lê Lai mang về an táng ở quê nhà ông. Sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ) truy phong Lê Lai chức Trung Túc Vương và cho lập đền thờ ông ở làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
° Năm Kỷ Hợi - 1479: Tù trưởng xứ Bồn Man nuôi dã tâm làm phản, tìm cách xúi giục người Lão Qua (thuộc vùng thượng Lào) đưa quân sang quấy nhiễu nước ta. Vua Lê Thánh Tông sai Thái úy Lê Thọ Vực làm Chinh Tây tướng quân cùng các tướng Công Lộ, Lê Đình Ngạn, Lê Lộng và Lê Nhân Hiếu đem 5 đạo quân với 18 vạn binh sĩ từ Nghệ An, Thanh Hóa đánh đuổi quân Lão Qua đến tận bờ sông Kim Sa. Khoảng 2 tháng sau, vua Lê Thánh Tông lại một phen đích thân cầm quân đi đánh dẹp quân Lão Qua một lần nữa
° Cùng năm Kỷ Hợi - 1479: Vua Lê Thánh Tông sai Ngô Sĩ Liên biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”, chia làm 2 bản. Một bản kể từ Hồng Bàng Thị cho đến Thập nhị sứ quân, gồm có 5 quyển. Một bản kể từ Đinh Tiên Hoàng cho đến Lê Thái Tổ, gồm có 10 quyển.
° Năm Kỷ Hợi 8-1599: Vua Lê Thế Tông băng hà sau khi ở ngôi được 26 năm. Trịnh Tùng bèn cho lập Hoàng tử Lê Duy Tân là con thứ của Thế Tông (khi đó mới 11 tuổi) lên làm vua, lấy hiệu là vua Lê Kính Tông, niên hiệu Thuận Đức thứ nhất. Tuy nhiên, quyền lực thật sự vẫn nằm trong tay Trịnh Tùng.
Cầu Trường Tiền, được khâm sứ Trung Kỳ Levécque giao cho hãng Eiffel của nước Pháp (nổi danh với công trình Tháp Eiffel ở Paris) thiết kế và thi công, đã hoàn thành trong năm này. Khi hoàn thành, cầu Trường Tiền có cấu trúc 6 vài 12 nhịp, chiều dài cầu 401m, bề ngang lòng cầu 6m20, mặt cầu lúc đó lát bằng ván gỗ lim. Các vòm nhịp cầu có hình bán nguyệt rất điệu đà duyên dáng, hình dáng đó về cơ bản được giữ nguyên cho tới ngày nay. Từ khi ra đời, cầu Trường Tiền mang tển là cầu Thành Thái, còn cái tên Trường Tiền là tên gọi sau này.
Lúc này nước ta bị thực dân Pháp đô hộ và công cuộc khai thác thuộc địa được đẩy mạnh. Ngân hàng Đông Dương (trụ sở chính ở Paris và có chi nhánh ở Sài Gòn, Hải Phòng) do Pháp nắm giữ. Năm 1899, ngân hàng cũng này đã mở chi nhánh ở Hà Nội.
Năm này, Pháp khởi công xây cầu thép Long Biên bắc qua sông Hồng, nối liền hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm (Hà Nội). Cầu khởi công xây dựng từ năm 1899 và hoàn thiện năm 1902, ban đầu có tên là cầu Doumer.
Cuối năm 1899, Công ty Vận tải đường biển của Pháp xây cất bến tàu tại Sở Canh Tân tàu biển (tức khu vực Bến Nhà Rồng sau này) để tàu cập bến. Bến được lót bằng ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ 8 m, chỉ vừa đủ cho tàu ra vào.
° Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 1959: Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta tham dự Đại hội lần thứ XXI của Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngay phút giao thừa đêm 30 Tết (ngày 9-2-1959), tức thời khắc chuyển từ năm Mậu Tuất 1958 sang năm mới Kỷ Hợi 1959, Đài tiếng nói Việt Nam cho phát tiếng nói Bác Hồ chúc Tết: “Chúc mừng đồng bào năm mới/ Đoàn kết thi đua tiến tới/ Hoàn thành kế hoạch ba năm/ Thống nhất nước nhà thắng lợi”. Bài thơ ngắn gọn, nhấn mạnh hai nhiệm vụ chính: đoàn kết thi đua hoàn thành kế hoạch 3 năm và đấu tranh thống nhất đất nước.
° Ngày 5-5-1959: Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương, thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Thượng tá Võ Bẩm, nguyên Cục trưởng Cục Nông trường tổ chức đoàn công tác quân sự đặc biệt làm nhiệm vụ mở con đường vận chuyển từ Bắc vào Nam và ngược lại. Do ra đời vào tháng 5-1959 nên đoàn mang phiên hiệu Đoàn 559. Kể từ đó, ngày 19-5 được xác định là Ngày truyền thống của Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn.
Đầu tháng 6-1959, Đoàn 559 tiến hành cho mở tuyến hành lang bắt đầu từ Khe Hó, nằm dưới chân núi Động Nóc, gần thượng nguồn sông Rào Thanh (nay thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). phát triển dần về hướng Tây Nam với điểm cuối cùng đặt trạm là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Lộ trình tuyến hành lang vượt qua nhiều núi cao hiểm trở, nhiều sông, suối và qua nhiều hệ thống đồn bốt địch. Khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Như vậy, tới cuối năm 1959, tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (Đường Hồ Chí Minh) đã được thiết lập thực sự, trở thành chiếc cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam, mang ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển lên một cao trào mới và là bước ngoặt lịch sử của cách mạng miền Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vào năm Kỷ Hợi 2019 này, cũng là năm chúng ta tiến hành kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh (1959 - 2019).