Vài năm gần đây, nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu khoe ảnh mùa hoa kèn hồng ở những con đường trong thành phố như Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Hàm Nghi (quận 1), Võ Văn Kiệt (quận 1)… rực sắc màu hồng phấn vào tiết trời tháng 3, tháng 4. Hoa thì ở đâu cũng cần và hoa thì lúc nào cũng đẹp, nhưng đô thị này cần nhiều hơn một hương sắc, bởi xứ nóng quanh năm, người ta cần những con đường rợp bóng mát hơn là sắc hoa hồng hồng mà thân cây trụi hết lá, chẳng còn chút bóng râm.
Hai mùa mưa nắng, nên cây xứ này cũng phải thỏa mãn được đặc tính nắng mưa của đô thị, thân phải chắc để tránh gãy đổ trong những ngày mưa gió… Bởi thế mà cây dầu trở thành mùa hoa đẹp trong lòng thành phố, thân cây vững chắc, cành đủ tạo bóng mát. Người tất bật chỉ kịp thấy cánh dầu vươn đầy trên phố, đậu lại bất chợt trên một xe hàng rong, hay vai áo khách đi đường những ngày này.
Không dễ để trả lời thành phố phương Nam có những mùa hoa gì, bởi đó là một câu hỏi vừa dễ vừa khó. Ở đô thị này, muốn tìm mua một bó loa kèn hay cúc họa mi của đất Hà thành không khó, hoa trong nước đến nhập khẩu đều có đủ lựa chọn, thậm chí cao cấp đến độ một cành hoa tính cả bạc triệu không chừng… Và tự mỗi người sẽ có cho riêng mình những mùa hương sắc ở đất này.
Thành phố quanh năm mùa nắng nhiều hơn mưa, người xứ nóng cũng quen với cái chói chang của mặt trời nhưng không gay gắt, không cằn như cái nắng của miền Trung. Ở thành phố này, nắng cũng nở hoa của riêng mình. Dân văn phòng thì nắng hay mưa là chuyện của trời, nhưng người lao động chân tay, hàng rong thì nắng mưa trở thành nỗi lo đắt ế. Xe trái cây, bánh tráng trộn, hay bánh mì mà gặp buổi trời mưa thì cũng não hết cả lòng, hôm nào mưa dai dẳng kéo dài cả ngày thì cầm chắc là ế. Trời mưa, người ngại ra đường, người lười xuống phố thì còn được mấy khách ghé lại mà trông có lời.
Bất kể con đường nào trong thành phố hay một góc hẻm nhỏ, kiểu gì người ta cũng có cách để mưu sinh, một gánh bún riêu, một xe súp cua, bánh mì, nước sâm là đủ kiếm cơm qua ngày… Có người bán lâu năm, cũng tạo dựng thương hiệu từ những quán vỉa hè, lề đường như thế, khách quen người này rỉ tai người kia, cứ thế mà ghé lại, năm này tháng nọ thành ra có tiếng có tăm.
Người buôn bán trông trời nắng, có khách tới lui mới mong có đồng lời, người lao động chân tay thì trời nắng có cực, nhưng cũng đỡ nhọc nhằn hơn những ngày mưa. Cánh thợ hồ, nhân viên giao hàng hay công nhân vệ sinh đường phố… làm việc ngoài trời mồ hôi như tắm, nhưng hễ mưa thì lại càng rầu hơn, dân công trình gặp mưa chỉ muốn nghỉ ngơi, giao hàng mà trời mưa thì tìm số nhà cũng loạng choạng…
Bởi thế mà người ta nói, xứ nóng thèm nắng cũng không sai, nắng quá thì than “bể đầu”, chứ mưa chừng ba bữa lại trông nắng lên không kịp. Thành phố này có riêng những mùa hoa của nắng cũng là vậy, dưới cái nắng chói chang là giọt mồ hôi vất vả, nhưng đổi lại là nụ cười được mùa khi bán đắt hàng…