Và dường như cuộc sống hiện đại hơn đã cuốn mọi người theo, làm họ vô tình quên đi những lời nói có ý nghĩa này và đôi khi còn e dè và ngại ngùng. Thế nhưng, dù cuộc sống có cuốn trôi, những nạn nhân bước ra từ các vụ cháy phải đối diện với những nỗi đau thương, mất mát thì trong tâm tưởng họ vẫn khắc khoải khôn nguôi sự tri ân đối với những người đã cứu mình trong lúc nguy hiểm. Đó là động lực thôi thúc họ tìm đến gặp ân nhân để một lần được bày tỏ.
Người dân tri ân những chiến sĩ PCCC đã giúp mình thoát nạn
1. Đang xúc cát đổ vào máy trộn bê tông, anh Thạch Lâm Thành (quê ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh lên Sài Gòn làm phụ hồ kiếm sống) nghe có người nhắc đến tên mình, anh nhìn về phía cửa, chưa kịp định thần thì người đàn ông đó đã cầm lấy tay anh:
- Tôi là Long. Cám ơn anh đã cứu sống cả gia đình tôi.
Anh sững người trong giây lát và chợt hiểu ra mọi việc: đó là 1 trong 8 nạn nhân anh đã góp sức cứu sống trong vụ cháy xảy ra vào lúc 1 giờ 45 ngày 6-9-2017 tại ngôi nhà số 12, đường Số 7, phường 4, quận 8.
Thời điểm đó, anh Thành đang làm phụ hồ ở công trình đối diện ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn. Đang ngủ say chợt nghe tiếng nổ lớn, anh Thành vùng dậy nhìn qua thấy lửa và khói đã bao trùm toàn bộ tầng trệt ngôi nhà. Không biết số điện thoại để báo cháy, cũng không quen biết ai để nhờ hỗ trợ, một mình anh xông vào đạp bung cánh cửa cổng rồi xúc từng xô cát hất vào đám cháy. Khói lửa táp thẳng vào mặt, vào người nhưng anh vẫn không nao núng, xông vào bên trong và kéo ra ngoài 1 người đàn ông nặng gấp 2 lần cơ thể mình, đồng thời hô hoán cho 7 người còn lại trong ngôi nhà chạy ngược lên tầng trên để tránh ngạt khói. Và khi lực lượng chữa cháy đến nơi, anh lặng lẽ trở về công trình nằm thở dốc và thiếp đi với nhiều vết thương trên cơ thể.
Cái siết tay thật mạnh của anh Long đã kéo anh Thành trở về với thực tại. Quả thật, những vết sẹo bỏng trên da thịt vẫn làm anh đau nhức mỗi khi “trái gió, trở trời”, nhưng gánh nặng mưu sinh đã cuốn lấy anh, để giờ này đó chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng chính những lời cảm ơn từ đáy lòng của anh Long hôm nay đã giúp cho cuộc sống của anh Thành thật hạnh phúc và mang nhiều ý nghĩa.
2. Trên hành trình trở lại chung cư Carina Plaza (quận 8, TPHCM) để thực hiện phóng sự về cuộc sống của cư dân từ sau vụ cháy xảy ra ngày 23-3-2018, làm 13 người chết và 91 người bị thương, chúng tôi mới thấu hiểu thêm nỗi đau thương, mất mát mà họ đang phải gánh chịu. Những tưởng, họ chẳng còn bận tâm gì hơn ngoài việc ngược xuôi tìm công lý và giải quyết hậu quả của vụ cháy để lại. Thế nhưng, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi biết được trong sâu thẳm tâm hồn của họ còn khắc khoải một nỗi niềm riêng, đó là trong tình huống khói lửa bủa vây, tiếng la hét, gào khóc của hàng trăm cư dân hoảng loạn đang tìm đường tháo chạy, lại có hình ảnh hàng trăm lính cứu hỏa băng mình vào biển lửa để cứu họ bất chấp mọi hiểm nguy, thế nhưng họ lại không kịp hỏi tên và không kịp nhớ mặt những người lính chữa cháy đã cứu họ từ trong khói lửa để gửi lời cảm ơn.
- “Chị hãy giúp chúng tôi được gặp những anh ấy. Chúng tôi biết có rất nhiều chiến sĩ bị thương khi cứu chúng tôi”, chị Ngọc Mai - cư dân ở chung cư Carina Plaza, nắm lấy tay tôi nói như cầu khẩn.
Tôi sững người, bởi đây là lần đầu tiên sau 20 năm tác nghiệp nghề báo tại hầu hết vụ cháy, tôi nhận được lời đề nghị như thế này. Trước bộn bề lo toan và cả nỗi đau chồng chất, vẫn có những cư dân biết lo cho sự an nguy của người khác nhiều hơn là nghĩ đến mình.
Và sáng 14-4, buổi lễ tri ân do cư dân chung cư Carina Plaza tổ chức là giây phút không thể nào quên trong đời của những người lính chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (CNCH), Cảnh sát PCCC TPHCM, bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành phòng cháy được đón tiếp hơn 70 người dân tìm gặp để gửi những lời cảm ơn từ đáy lòng.
Những nụ cười và cả những giọt nước mắt đã tuôn rơi trong buổi gặp mặt. Nước mắt của tình người, nụ cười của hạnh phúc khi biết được những người hùng trong lòng họ đã bình an.
3. “Ba ơi, đừng bỏ con…”. Câu nói này đã làm Thượng tá Lê Quang Thuấn, Trưởng phòng CNCH, Cảnh sát PCCC TPHCM, thật sự xúc động khi kể cho tôi nghe câu chuyện về bệnh nhân Nguyễn Nhật Trường - sinh năm 1999, mà anh đã thuyết phục từ bỏ ý định tự tử vào ngày 13-6 vừa qua.
Hôm đó, do không giải quyết thỏa đáng chuyện tình cảm, Nhật Trường đã uống 30 viên thuốc ngủ để tìm đến cái chết, nhưng may mắn gia đình phát hiện kịp thời và đưa đến Bệnh viện Trưng Vương, thế nhưng khi vừa thoát khỏi cơn nguy kịch thì Nhật Trường lại leo ra ban công tầng 5 của bệnh viện tính nhảy lầu tự tử.
Thượng tá Lê Quang Thuấn kể: 12 giờ 30, khi tôi đến hiện trường đã thấy bệnh nhân Trường leo hẳn ra ngoài ban công tầng 5 và la hét trong tình trạng bị kích động mạnh. Lúc này, trời nắng chói chang và hàng trăm người dân đứng dưới sân hồi hộp dõi theo những di động của bệnh nhân Trường. Hàng chục đơn vị sẵn sàng mọi phương tiện ứng cứu khi cần thiết nhưng không ai có thể tiếp cận được Nhật Trường. Tôi cùng 2 cán bộ đội CNCH tìm cách tiếp cận anh ta từ phía sau. Biết có người tiến đến phía mình, Trường la hét hoảng loạn hơn và thả 2 tay nhún người đòi nhảy xuống; đồng thời đưa ra đủ yêu sách đòi hỏi phải đáp ứng, thậm chí không dưới 10 lần tự buông 2 tay, đưa 1 chân lên cao tạo áp lực cho lực lượng CNCH… Tôi lùi lại giữ đúng khoảng cách mà Trường yêu cầu, bình tĩnh kéo ghế và ngồi xuống tạo cảm giác an toàn cho Trường, nhưng đồng thời ra hiệu cho 2 chiến sĩ nằm sát xuống đất, bò dần đến tiếp cận mục tiêu ở hướng khác.
Trường trạc tuổi con trai tôi, có lẽ đã gặp một tác động nào đó rất lớn mới bị kích động đến như vậy. Chính điều đó thôi thúc tôi cố thuyết phục Trường bằng trái tim của người cha. Sau hơn 4 giờ liên tục tìm đủ lý lẽ để thuyết phục, thậm chí sẵn sàng đáp ứng mọi yêu sách, nhưng diễn biến tâm lý của Trường vẫn hết sức phức tạp và chưa từ bỏ ý định tự tử. Lúc này, chân tay của Trường bắt đầu run, mồ hôi vã ra như tắm, mặt tái dần và môi nứt nẻ vì thiếu nước. Nguy cơ tự rơi xuống đất là rất cao. Tôi liền đứng dậy cầm chai nước tiến về phía Trường nói: “Uống nước đi con trai. Ba sẽ chở con đến nhà bạn gái của con. Ba sẽ giúp con phân tích cho bạn ấy hiểu. Con hãy tin ba. Hãy mạnh mẽ lên con”.
Cứ sau mỗi câu nói, tôi lại nhích thêm 1 bước để tiến gần Trường hơn. Tôi thấy Trường nhìn tôi, có lẽ những lời khuyên nhủ xuất phát từ trái tim của người cha đã chạm được đến suy nghĩ của Trường. Trường nhìn thẳng vào tôi và bắt đầu rơm rớm nước mắt, tay run run ôm lấy cổ tôi. Trường bật khóc nức nở và ôm chầm lấy tôi “Ba ơi, đừng bỏ con, con sai rồi”. Tôi cũng ôm chặt Trường và kéo vào bên trong, nước mắt trào ra…
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”. Dù cuộc sống với biết bao bộn bề nhưng chẳng vì thế mà chúng ta quên đi những ân tình. Hãy mạnh dạn bày tỏ, trao gửi yêu thương, bởi đó chính là những món quà vô giá, làm cho cuộc sống của chúng ta mang nhiều ý nghĩa hơn.