Những mảnh ký ức đẹp


Để đọc một cuốn sách, thường thì người ta đọc từ trang đầu đến trang cuối. Nhưng với Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, có thể bắt đầu với bất kỳ trang nào cũng được.
Những mảnh ký ức đẹp

Nhà văn Lê Văn Nghĩa không cấu trúc Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian thành một cuốn sách có lớp lang, ông gần như để ký ức chi phối toàn bộ sự xuất hiện của các bài viết trong cuốn sách này. Ký ức về Sài Gòn của Lê Văn Nghĩa ùa về từ một trung tâm thương mại bị bà hỏa thiêu trụi, từ tĩn nước mắm mẹ ông thường mua, từ chiếc xe Solex màu đen với tà áo dài dịu mềm lướt phố…, hay từ đình thờ Ông Súng gần nơi ông cư trú hiện nay. Những ký ức đó còn được nhà văn cẩn thận tra cứu thêm từ sách báo cũ để củng cố vững chắc hơn cho hoài niệm của mình. Tất cả được ví như những mảnh thời gian mà tác giả chỉ làm công việc gắn kết nhằm tạo thành bức tranh nhiều màu sắc của một Sài Gòn xưa.

Năm 1961, Sài Gòn có khoảng 2 triệu người nhưng cảnh kẹt xe đã khởi đầu cho một “đặc sản” của Sài Gòn hiện nay. Đến năm 1967, người Sài Gòn so sánh: “Để bay từ Huế vào Sài Gòn mất một giờ rưỡi, nhưng cũng mất chừng đó thời gian để đi từ phi trường Tân Sơn Nhất đến trung tâm quận nhất nếu kẹt xe”. Nhưng theo Lê Văn Nghĩa, người ta vẫn chọn sống ở đây. Vì họ tin rằng, nơi đây vẫn là nơi đất lành, là nơi đầy ắp tình người, là nơi con người vẫn sống với nhau bằng truyền thống hào khí Đồng Nai - Gia Định; sống chính trực, công bằng, nghĩa khí và lúc nào thành phố này cũng muốn vươn lên, cũng muốn đi về phía trước...

Tác giả khiêm tốn cho biết, ông không phải viết Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian như một nhà nghiên cứu, nhưng đó là tất cả tình cảm ông dành cho mảnh đất này. Lê Văn Nghĩa sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Mỗi dịp lễ tết, người Sài Gòn thường về thăm quê, thì Lê Văn Nghĩa cũng về thăm quê ở trong Chợ Lớn (quận 6). Viết về nơi cất tiếng khóc chào đời, sống qua bao biến thiên đến khi tóc bạc, thiết nghĩ đó là một bảo chứng của tác giả trong cuốn sách này, dù thời gian như lớp sương mờ khiến người ta nhìn về ngày cũ có nhiều chỗ nhớ nhớ, quên quên.

Tin cùng chuyên mục