“Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi. Thương những đời như lục bình trôi”… Mỗi lần nghe câu hát, tôi lại nhớ đến những người chăn vịt! Ấy là nhân vật chính trong bút ký “Trôi dạt những mảnh đời” của Trần Thôi – giải nhất cuộc thi ký văn học đồng bằng sông Cửu Long 2001 (Hội Văn học nghệ thuật Long An xuất bản tháng 12-2001).
…Viết về cảnh đời của những người dân quê Nam bộ lam lũ hành nghề chăn vịt, Trần Thôi dường như chỉ miêu tả một cách đơn thuần và tỉ mỉ, không triết lý, ít bình luận. Nhiều đoạn có những chi tiết rất mộc, đọc cứ thấy chua xót vì cảm giác đời thực được bê nguyên xi lên những trang văn, như khi anh kể chuyện bé gái tên Thắm mười lăm tuổi, tối vẫn ngủ với ba và chưa biết mắc cỡ về chuyện vệ sinh khi trở thành thiếu nữ.
Hoặc chuyện của vợ chồng anh Năm Bé, lang thang trôi dạt theo bầy vịt suốt năm ròng rã, từ lúc chị vợ còn son rỗi, đến lúc cho ra đời đứa con trai kháu khỉnh sắp đầy tháng mà vẫn chưa tìm được chốn dừng chân, chưa từng được nằm trên một cái giường, nói chi đến việc đi chích ngừa.
Đằng sau giọng văn tường thuật đôi lúc lạnh lùng là khá nhiều vấn đề đặt ra dưới góc độ xã hội rất sâu sắc. Tôi đọc, ngỡ ngàng khám phá nhiều “bí mật” chung quanh công việc kiếm sống có quá nhiều bất trắc, quá nhiều nỗi buồn này. Ngay cả đám cưới, cũng buồn!
Đoạn cuối “Trôi dạt những mảnh đời”, Trần Thôi kể về một đám cuới kỳ lạ lần đầu anh được dự trong đời, của hai người chăn vịt: “Đám cưới của anh Năm Na và chị Tư Bông được tổ chức ngay trên bờ đê. Những chiếc chiếu ni lông trong từng lều trại được đem ra trải dưới đất làm nơi đãi ăn. Thức ăn toàn là thịt vịt: vịt xào sả ớt, vịt bằm nướng lá cách, vịt xé phay trộn gỏi bắp chuối, đặc biệt là món vịt đắp đất sét nướng trui…
Quà cưới không phải bằng tiền mà là mỗi người mang đến một con vịt… Cuộc ăn nhậu kéo dài đến tận khuya, lửa củi, lửa rơm vẫn cứ sáng bập bùng. Tiếng đàn ghi ta phím lõm bổng trầm ngân nga trong đêm vắng. Ai đó cất lên giọng hát não lòng: Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi. Thương những đời như lục bình trôi”…
Con gái tôi gần bằng tuổi Thắm. Tôi có kể cho cháu nghe chuyện những người chăn vịt của Trần Thôi. Những ngày giáp Tết (2002), cháu đi chợ phụ mẹ, về nhà hớn hở khoe: “Ba ơi, cô bàn hàng nói bữa nay giá hột vịt lên rồi. Người ta mua kho với thịt ăn Tết đó mà”. Tôi hiểu niềm vui thật ngộ nghĩnh của con.
DƯƠNG THANH THANH
(Thư viện Khoa học Tổng hợp Vĩnh Long)