Xoay những vòng đời
Hơn 10 năm vào TPHCM cũng là từng đó thời gian nghề ve chai giúp chị Lý (51 tuổi, quê Bắc Ninh) nhọc nhằn mưu sinh qua ngày. “Vài đồng bạc lẻ trong túi, không người thân thích nơi đất khách quê người, lúc đó chỉ biết làm nghề ve chai. Ban đầu nghĩ, thôi cứ làm rồi tính tiếp, ngoảnh mặt lại đã 10 năm”, chị mở đầu câu chuyện. Trên chiếc xe đạp cũ mòn theo thời gian, người phụ nữ nhỏ thó chừng 40kg vẫn miệt mài mỗi ngày. Ngoại trừ thời gian mỗi năm về thăm gia đình 1 lần, cuộc sống của chị cứ thế trôi đi.
Chị Lý kể, mỗi sáng, sau khi được thuê quét dọn khuôn viên một chung cư ở quận Gò Vấp (TPHCM), chị bắt đầu đi thu lượm ve chai từ các hộ dân. Có người cho, có người bán. Lúc hàng nặng trĩu, khi lại nhẹ tênh. Nhưng ít nhất chị có đầu mối ổn định. Xong việc, chị lại rong ruổi thêm nhiều ngõ ngách tiếp tục thu lượm ve chai. Chị dần hình thành thêm mối quen ở các cửa hàng tạp hóa, đến ngày là đi gom hàng, không quá lo bữa đực, bữa cái. Theo lời chị, hầu hết những người theo nghề này đều cố gắng có mối như vậy để đảm bảo thu nhập. Nhiều cặp vợ chồng cùng làm nghề ve chai, có những mối quan hệ quen biết hay may mắn còn thu mua được xác nhà cũ, kiếm kha khá.
Khép mình dưới những ngôi nhà 2-3 tầng vừa mới xây là khu nhà trọ 5 phòng nằm sâu trong một con hẻm ở phường Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM). Hơn nửa số người thuê trọ ở đây làm nghề thu lượm ve chai, bán bánh chưng - bánh giò.
Chị Đào (35 tuổi, quê Vĩnh Phúc) có công việc gia công dép cao su tại nhà nhưng cũng tranh thủ thời gian rảnh để kiếm thêm từ thu lượm ve chai. Tự nhận làm ăn nhỏ lẻ, chị thường chỉ mua được giấy, nhựa, bìa cạc tông, sắt, tôn…, bán không lời được là bao. Những thứ cồng kềnh như thùng xốp, còn mới, có thể bán lại được cho các cửa hàng dùng đựng đồ. Nếu may mắn, nhiều người bán “quặng” (ước chừng, không cân ký) có thể lời hơn.
Trong xóm, anh Huy (chồng chị Đào) cùng cánh đàn ông, 4-5 người đa phần quê Vĩnh Phúc, trên dưới 40 tuổi, chọn nghề bán bánh giò, bánh chưng. “Khoảng 11 giờ trưa, sau khi lấy hàng từ lò bánh là tôi lên đường. Mỗi ngày, tôi thường lấy khoảng 100 bánh giò và bánh chưng, bán đến khi nào hết thì về. Ngày may mắn cũng phải 22 giờ, có khi gần nửa đêm. Thậm chí, trong xóm có người còn bán đến 1-2 giờ sáng hôm sau. Không ai muốn ôm hàng về nhà, vì chỉ có nước ăn trừ cơm”, anh Huy cho biết.
Cung đường mỗi ngày bán bánh của anh Huy thường từ Gò Vấp và rong ruổi qua nhiều quận khác nhau, nhiều khi sang đến tận quận 7. Anh em khác đi nhiều nơi, sang TP Thủ Đức (địa bàn quận 2, quận 9 trước đây). Không bán được hàng, có người sang Bình Dương, xuống ngã ba Thái Lan (Long Thành, Đồng Nai).
Thậm chí có người còn lên Đắk Lắk, Bình Phước hay xuống Cần Thơ thuê nhà trọ ở tạm, bán 1-2 tháng mới về lại thành phố. Mỗi ngày, lò bánh gửi hàng theo xe khách, cứ đúng giờ ra bến xe nhận hàng đi bán.
Niềm vui không trọn
Chừng 19 giờ tối, nhiều người làm nghề ve chai trong khu trọ nhà chị Đào lục tục trở về phòng sau một ngày dang nắng khắp các ngõ ngách. “Chị sướng thế, nay lại mua tiếp được mớ dây đồng, dễ đến cả cân nhỉ”, chị Đào nói với người phụ nữ phòng kế bên. Chị giải thích, dây đồng là thứ mơ ước với những người thu mua ve chai bởi luôn bán được giá cao, lời nhiều. Chị Đào khoe năm trước cũng trúng mánh một mối hàng hơn 50kg dây đồng.
Niềm vui của những người mà nhịp sống đã gắn liền với những vòng xe hiếm khi trọn vẹn. Chị Lý cho biết: “Mình là phụ nữ, sức có hạn, đôi khi mua được mối hàng nặng đến cả trăm ký, chất lên xe đạp, vui đấy nhưng cũng bật khóc. Nghĩ vừa thương, vừa tủi thân mình. Có những lúc hàng hóa cồng kềnh hay phải tháo dỡ phức tạp như mái tôn, đành chịu, nhường lại cho người quen hay bán lại kiếm lời chút đỉnh”.
Trong khi đó, theo anh Huy, ai cũng nghĩ đi bán những ngày tạnh ráo là sướng nhưng nghề bán bánh dạo thì ngược lại: “Ngày mưa thường người ta ngại, lười ra đường nên lúc nào bán bánh cũng nhanh hơn ngày nắng. Nhưng phải chấp nhận dầm mưa, lội nước; nhiều khi vừa rét, vừa đói”.
Mưu sinh trên những cung đường, khuôn mặt ai cũng lộ vẻ khắc khổ. Nhưng nỗi lo lớn hơn là đồng tiền kiếm ra ngày một khó. Hơn 20 năm từ Bắc vào Nam mưu sinh bằng nghề bán miến, mì dạo, vợ chồng cô Lan (quê Phú Thọ) thấm thía hơn ai hết. Mỗi ngày phải di chuyển vài chục cây số khắp các quận huyện nội ngoại thành, nhiều khi sang cả Long An nhưng niềm vui là hàng vẫn bán đều tay, mỗi tháng chỉ nghỉ vài ngày. Nhưng hiện nay, mỗi tuần hai vợ chồng cũng chỉ có 1-2 buổi đi bán. Thời điểm dịch bệnh, suốt từ tết đến nay, 2 vợ chồng đành về quê, phần cũng vì cơ thể “biểu tình” do các bệnh về xương khớp, dạ dày.
“Từ ngõ này luồn qua ngõ khác đi đâu cũng gặp bóng những “đồng nghiệp” trên những chiếc xe đạp lỉnh kỉnh đủ các loại túi ni lông chờ chứa hàng. Nhiều khi chán quá, chị em đứng lại nói với nhau dăm ba câu chuyện, vì ve chai thì ít mà người đi thu lượm ngày một nhiều”, chị Đào cho biết thêm. Ở khu vực quận 12, không khó bắt gặp các xóm ve chai. Không phải ai cũng may mắn như chị Đào khi thu lượm ve chai chỉ là nghề phụ hay như chị Lý đã có những mối hàng cố định.
Nặng gánh mưu sinh, âu cũng vì miếng cơm manh áo. Chốn đi về của không ít người chỉ là những gian phòng trọ hè nóng bức, mưa ngập lụt. Những không gian ấy nhiều khi chỉ là nơi đặt lưng xuống sau một ngày mệt nhoài, lấy chút năng lượng khi ngày mới bắt đầu. Tất cả chỉ mong có thu nhập ổn định, tích lũy được chút vốn phần lo cho con ăn học, phần mở sạp quần áo, tiệm làm tóc cho con cái có kế sinh nhai.
Khi bình minh còn chưa ló dạng, một ngày mới đã bắt đầu. Họ lại chen vai sát cánh giữa phố phường đông đúc, xe cộ tấp nập…