Từ 9 giờ sáng hôm nay 11-7, 63 cụm thi trên cả nước đồng loạt công bố kết quả điểm của 5 môn thi (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên và tổ hợp bài thi Khoa học xã hội) kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Theo quy chế, sau khi biết điểm, thí sinh có 10 ngày để phúc khảo bài thi. Thí sinh có quyền nộp đơn phúc khảo tại trường THPT và nơi thí sinh đăng ký dự thi (đối với thí sinh tự do).
Trong thời gian từ ngày 11 đến 20-7, Sở GD-ĐT và các đơn vị thi thu nhận đơn phúc khảo, lập danh sách phúc khảo, công bố kết quả phúc khảo chậm nhất là ngày 28-7 và cập nhật danh sách tốt nghiệp sau phúc khảo chậm nhất ngày 30-7.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018, tại điểm thi Trường Nguyễn An Ninh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cùng với đó, sở GD-ĐT các địa phương hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ chậm nhất đến ngày 15-7, cập nhật vào phần mềm quản lý thi, gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ về Bộ GD-ĐT và công bố kết quả tốt nghiệp THPT.
Sở GD-ĐT có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính), in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh chậm nhất ngày 20-7.
Đối với các trường đại học (ĐH), cao đẳng sư phạm (CĐSP), trung cấp sư phạm (TCSP) xét tuyển thẳng theo quy định, phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển vào cơ sở dữ liệu trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước 17 giờ ngày 18-7. Thí sinh trúng tuyển thẳng gửi hồ sơ và xác nhận nhập học trước ngày 23-7.
Cũng theo quy định, ngày 18-7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với khối ngành đào tạo giáo viên và ngay sau đó các trường ĐH, CĐSP, TCSP công bố điểm nhận hồ sơ.
Từ ngày 19 đến 26-7, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến tại các trường THPT hoặc điểm thu nhận hồ sơ.
Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp bằng phiếu đăng ký xét tuyển tại cùng địa điểm và được kéo dài đến ngày 28-7. Sau đó, thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng và đề nghị điều chỉnh sai sót (nếu có) trước 17 giờ ngày 30-7.
Từ ngày 3 đến 5-8, các trường ĐH, CĐSP, TCSP tiến hành quy trình xét tuyển và công bố điểm chuẩn đợt 1 (điểm trúng tuyển). Sau đó, thí sinh xác nhận nhập học (nộp giấy chứng nhận kết quả thi) đến trước ngày 12-8 (tính theo dấu bưu điện nếu thí sinh nộp bằng đường bưu điện). Từ ngày 22-8, các trường tiến hành xét tuyển bổ sung nếu chưa đủ chỉ tiêu.
Theo Bộ GD-ĐT, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển.
Nếu điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến, thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng. Phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký dự thi trước đó. Nếu điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký dự thi và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định.
Thí sinh lưu ý điền đầy đủ thông tin vào phiếu đăng ký điều chỉnh và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cập nhật vào cơ sở dữ liệu trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Thí sinh phải ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại. Điểm thu nhận hồ sơ phải yêu cầu thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót (nếu có).
13-7: thực hành điều chỉnh thử
Bộ GD-ĐT cho biết, bắt đầu từ ngày 13-7, cổng thông tin tuyển sinh www.thisinh.thithptquocgia.edu.vn sẽ được mở để thí sinh thực hành điều chỉnh “thử” nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến. Đây là thử nghiệm được thực hiện trên toàn quốc. Kết quả thực hành điều chỉnh thử của thí sinh sẽ bị xóa toàn bộ sau khi kết thúc đợt chạy thử. Theo Bộ GD-ĐT, việc cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng thử nhằm giúp thí sinh thuần thục trong thao tác, tránh bỡ ngỡ, lúng túng khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng chính thức. Đặc biệt, đây cũng là phương án kiểm tra để phòng ngừa sự cố quá tải của hệ thống. Tất cả quy trình điều chỉnh thử được tuân thủ đúng với các bước của quy trình thật.