Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em. Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nêu rõ, phần lớn trẻ em mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc ở thể nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hoá chiếm khoảng 55% và có khoảng 4% trẻ em mắc Covid-19 ở tình trạng nặng và 0,5% nguy kịch.
Do trẻ em mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ nên tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn nhiều so với người lớn.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng chỉ ra các dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để trẻ được cấp cứu tại nhà hoặc đưa đến bệnh viện như: Thở nhanh; Khó thở, cánh mũi phập phồng; Rút lõm lồng ngực; Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; Tím tái môi đầu chi; chỉ số oxy SpO2 < 95%.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng chỉ rõ những yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc Covid-19 bệnh diễn biến nặng, như: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; Béo phì, thừa cân; Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá; Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi..); Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Bệnh tim mạch.
Theo một số chuyên gia nhi khoa, hầu hết trẻ mắc Covid-19 được điều trị, chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên trong quá trình chăm sóc trẻ ở nhà, cha mẹ cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.
Cùng với đó, cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.