Từ đó, những lời xin lỗi kiểu như vậy xuất hiện ở nhiều tỉnh - thành khác, từ các công trình xây dựng quy mô lớn, các lô cốt đào đường, phía sau xe buýt… Tuy nhiên, nhiều nơi lời xin lỗi chỉ là tấm biển hình thức, vì hành động thì không thể hiện sự chân thành.
Trên đường phố TPHCM cũng xuất hiện nhiều lời xin lỗi. Tại một công trình xây dựng chung cư trên đường D1 (quận Bình Thạnh) trưng bảng xin lỗi vì làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Tương tự, thời điểm cuối năm 2017, các đơn vị đào đường thi công công trình ngầm hoặc sửa sang đường sá cũng gắn ở các lô cốt biển xin lỗi người dân. Thấy lời xin lỗi, ai cũng bớt bực bội khi bị kẹt xe do cái lô cốt đó gây ra.
Thế nhưng rồi lô cốt cứ nằm chình ình từ ngày này qua ngày khác, tồn tại quá thời hạn thi công theo giấy phép. Rào quây xộc xệch, xiêu vẹo gây nguy hiểm cho người đi đường, nhưng không được đơn vị thi công quan tâm. Nhiều người bực mình nhận ra lời xin lỗi không thật lòng, chỉ là cho có lệ.
Trên thế giới, lời xin lỗi là cách ứng xử văn hóa, thể hiện sự lịch thiệp và chân thành. Tại Nhật Bản, mới đây, hãng đường sắt đã xin lỗi người dân vì tàu khởi hành… sớm 25 giây; hay một lãnh đạo công ty nước máy xin lỗi khách hàng vì một nhân viên của công ty sử dụng giờ làm việc sai mục đích khi lãng phí 3 phút trong giờ làm việc để đi mua đồ ăn trưa. Họ luôn nghiêm túc sửa sai sau mỗi lần xin lỗi.
Còn ở nước ta, có nhiều lời xin lỗi được niêm yết trên đường phố, nhưng tiếc rằng nhiều khi chỉ là xin lỗi suông, không đi kèm với trách nhiệm và hành động.