1. Lễ hội Cầu Ngư
Các làng biển Quảng Bình có một lễ hội truyền đời hàng trăm năm. Đó là lễ hội Cầu Ngư. Đầu năm ngư dân cầu mưa thuận gió hòa, đánh bắt bội thu để phát triển kinh tế, thúc đẩy đời sống khấm khá hơn. Lễ hội trải dài từ Bắc Quảng Bình đến các làng biển Lệ Thủy. Mỗi làng một lễ tùy theo sức làng, sức xóm. Tất thảy đều thành tâm hướng về Biển Đông, hướng về tổ tiên, hướng về điều tốt đẹp.
Lễ hội Cầu Ngư làng biển Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình |
Với ý nghĩa đó, vào ngày 30-10-2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận lễ hội Cầu Ngư của người dân vùng biển thuộc các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
2. Lễ hội đập trống Ma Coong
Vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch mỗi năm, tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, đồng bào Ma Coong tổ chức lễ hội đập trống truyền thống. Lễ hội thu hút sự góp mặt của đông đảo người dân các vùng lân cận và du khách thập phương.
Lễ hội đập trống Ma Coong |
Chuẩn bị cho lễ hội, những người đàn ông làm trống, dựng trại; phụ nữ chuẩn bị đồ ăn, thức uống đón tiếp bà con Ma Coong từ bản khác và cả bên Lào sang. Trống được làm từ buổi sáng, tang trống làm bằng thân cây gỗ chi cup, mặt trống làm từ da bò, chúng cố định bằng những sợi mây từ thân mây già, chêm mặt trống cho căng là những thân tre bên suối.
Tại lễ hội đập trống, người Ma Coong chuẩn bị sẵn mâm cỗ cúng Giàng, gồm có rượu cần, gà, cá, xôi, bắp chuối rừng, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác. Già làng Đinh Xon làm chủ lễ cúng Giàng mong sao cho năm nay được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người khỏe mạnh.
Cúng Giàng trong hội đập trống Ma Coong |
Tiếp theo, già làng Đinh Xon mời dân bản vào hội đập trống, tiếng trống, tiếng người vang lên, mọi người xúm lại bên những ché rượu cần, không phân biệt trai gái, quen lạ, tất thảy đều đập trống cật lực bằng cây rừng. Họ vừa đập vừa hô nhịp nhàng, vang lừng núi rừng. Trống được đánh cho tới lúc thủng, cũng là thời điểm thanh niên trai gái kéo nhau vào rừng. Hôm sau khi ánh bình minh ló rạng, bà con Ma Coong ai về nhà nấy với mong muốn một năm bình an, no đủ. Năm 2020, lễ hội đập trống Ma Coong được công nhận Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.
3. Linh thiêng lễ giỗ Mẫu Liễu Hạnh dưới chân Đèo Ngang
Hàng trăm năm nay, từ ngày mồng 1 đến mồng 3-3 âm lịch, người dân xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) thành tâm tổ chức lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới chân núi Đèo Ngang. Đây là nét đẹp của đạo lý uống nước nhớ nguồn trong phong tục thờ Mẫu của văn hóa truyền thống.
Lễ giỗ Liễu Hạnh Công Chúa ở xã Quảng Đông |
Theo UBND xã Quảng Đông, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một vị thánh trong Tứ Bất Tử. Thánh Mẫu là con gái của Ngọc Hoàng, đã 3 lần giáng sinh phàm trần, hiển linh cứu dân giúp nước. Thánh Mẫu Liễu Hạnh từng được các triều đại từ thời Lê đến thời Nguyễn cấp nhiều sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ", "Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương" và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ tát và được nhân dân tôn thờ. Đèo Ngang là một trong những nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh hiện diện.
Rước linh Công chúa Liễu Hạnh |
Để ghi nhớ công ơn của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, nhân dân Quảng Đông đã lập đền thờ ngay dưới chân Đèo Ngang, bên đường thiên lý Bắc - Nam. Con cháu đời đời phụng thờ và lấy ngày 3-3 âm lịch hàng năm là ngày Thánh Mẫu nhằm tổ chức lễ giỗ.
Năm 1995, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định công nhận đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Di tích lịch sử văn hóa kiến trúc - nghệ thuật - tôn giáo vì những giá trị văn hóa của di tích gắn liền với lịch sử hàng trăm năm nay.
4. Hội rằm tháng 3 Minh Hóa
Vào ngày 14-3 âm lịch mỗi năm, huyện Minh Hóa tổ chức khai hội rằm tháng ba truyền thống. Đây là lễ hội lâu đời và lớn nhất của huyện miền núi này với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân gian truyền thống thu hút đông đảo du khách thập phương và bà con bản địa đến từ các bản làng trong huyện.
Cúng Bụt ở hội rằm tháng 3 Minh Hóa |
Mở đầu phần hội là lễ hương cúng Bụt ở thác Bụt. Đây là một trong số ít nơi ở nước ta có tục cúng Bụt (như ông Bụt trong truyện cổ tích) để cầu cho quốc thái dân an, vạn điều may mắn. Xưa kia có ba anh em nhà nọ lên lèn ông Ngoi tìm mật ong nhưng lạc vào một hang động. Trong đó có vô số tượng Bụt bằng đá. Họ vác mỗi người một tượng mang về. Đến suối, họ dừng chân tắm. Song khi vác tượng về nhà thì không thể di chuyển. Mãi sau ba anh em mới vác được một tượng về Hói Chàm và đặt ở đó.
Từ đó đến nay dòng suối mà họ tắm và để lại tượng Bụt gọi là thác Bụt. Mỗi năm, cứ đến rằm tháng ba, người dân địa phương đến đây cúng Bụt cầu tài, cầu lộc...
Trò chơi dân gian tại hội rằm tháng 3 Minh Hóa |
Sau phần khai hội, hội rằm tháng ba Minh Hóa diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như thi đấu bóng chuyền, văn nghệ dân gian, lễ hội ẩm thực giới thiệu các món ăn dân dã đặc trưng của vùng đất như: ốc khe, trứng kiến, nhộng ong, tằm sắn, mật ong, thảo dược vùng miền núi...
5. Lễ hội Trỉa lúa – Lấp lỗ
Hàng năm, vào ngày 11-14 tháng 7 âm lịch, người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) lại long trọng tổ chức lễ hội Trỉa lúa truyền thống. Phần lễ trang nghiêm và đậm đà bản sắc, phần hội đoàn kết sum vầy. Đồng bào lại gửi gắm mong ước cho cây trĩu bông, chắc hạt vụ mùa bội thu.
Lễ hội Trỉa lúa - Lấp lỗ |
Cuối phần lễ, dân bản vai đeo gùi tay cầm gậy chọc lỗ đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm một cái nia trong đó đựng ít thóc giống, vừa nhún nhảy như người sảy thóc, vừa tiếp tục khấn, gọi thần lúa về phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh đạt. Sau khi cúng xong tất cả, dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ. Mọi người vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ. Họ cũng cùng nhau bước vào phần hội với các trò chơi và cùng nhau hát những các làn điệu dân ca truyền thống. Năm 2021, lễ hội Trỉa lúa - Lấp lỗ đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Lễ hội cấp quốc gia.
6. Lễ mừng cơm mới
Lễ mừng cơm mới của đồng bào Vân Kiều các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch là một lễ hội lâu đời. Lễ hội thường được tổ chức sau khi thu hoạch lúa rẫy vào tháng 10 và 11 âm lịch hằng năm. Sau mùa lúa rẫy hằng năm, bà con tổ chức lễ hội mừng cơm mới để tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống no đủ.
Mừng cơm mới |
Lễ hội vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương. Lễ hội hiện còn lưu giữ những nghi lễ liên quan tới vòng đời cây lúa, là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mừng cơm mới trình diễn trong bảo tàng Quảng Bình |
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Quảng Bình cho biết, Lễ hội mừng cơm mới của người Vân Kiều là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đang được bảo tồn trong chính cộng đồng bà con dân bản.
7. Lễ hội đua thuyền huyện Quảng Ninh - Lệ Thủy
Vào dịp Quốc khánh 2-9 hằng năm, hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy tưng bừng tổ chức đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và Nhật Lệ. Có khoảng 1.400 vận động viên của hai huyện tham gia trên hai dòng sông này. Đua thuyền thu hút hàng trăm ngàn người đến tham gia cổ vũ, mang lại không khí vui tươi, năng lượng tích cực.
Lễ hội đua thuyền huyện Quảng Ninh |
Năm 2019 Bộ VH-TT-DL quyết định đưa Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến năm 2022, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ cũng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
7 lễ hội này là nét chấm phá về mảnh đất Quảng Bình phong phú đa dạng về văn hóa. Mỗi thôn xóm với lịch sử hình thành lâu đời đều có những lễ hội bản địa riêng biệt, độc đáo và cuốn hút.