Những “làng tỷ phú”

​Dải đất miền Trung quanh năm nắng lửa, bão lũ, người dân chịu bao cơ cực, giờ đây có nhiều làng quê đã trở thành “làng tỷ phú” nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ).

​​​​​​Đổi đời

​Đô Thành xưa là xã thuần nông ở vựa lúa huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An). Người dân nơi đây nổi tiếng cần cù, chịu khó, quanh năm chân lấm tay bùn nhưng cũng chỉ đủ ăn. Những năm gần đây, nhờ có nhiều người đi XKLĐ gửi tiền về, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên.

Cả xã Đô Thành có khoảng 4.000 hộ dân thì 3/4 trong số đó có nhà cao tầng, biệt thự. Chị Phạm Thị Thảo, cán bộ chính sách xã Đô Thành, cho biết, hiện xã có 1.556 con, em đang làm việc ở nước ngoài. XKLĐ gần như trở thành “nghề” của người dân trong xã.

Xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) giàu lên nhờ có nhiều người đi xuất khẩu lao động. Ảnh: DUY CƯỜNG

Xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) giàu lên nhờ có nhiều người đi xuất khẩu lao động. Ảnh: DUY CƯỜNG

​Cách xã Đô Thành 70km, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) nằm ven biển, là một trong những địa phương có số người đi XKLĐ và gửi ngoại tệ về quê thuộc “tốp đầu” ở tỉnh Hà Tĩnh. Diện mạo làng quê “thay da đổi thịt”, nhà cao tầng, biệt thự “kiểu Tây” trị giá hàng tỷ đồng mọc lên san sát…

Bà Hoàng Thị Thành (55 tuổi, trú tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián) cho biết, gia đình có chồng và 4 người con đang đi XKLĐ. Người đi lâu nhất là 14 năm, còn lại là 8-9 năm và mỗi người gửi về nhà 26 triệu đồng/tháng, nhờ đó, nhà cửa xây mới khang trang. “Chỉ còn tôi một mình sống ở quê, chăm sóc người cháu ngoại từ lúc mới 6 tháng tuổi đến nay đã được 6 tuổi”, bà Thành chia sẻ.

Tương tự hoàn cảnh bà Thành, ở Cương Gián có rất nhiều trường hợp vợ chồng đi XKLĐ đã gửi con ở quê cho ông bà chăm sóc, có nhiều cặp vợ chồng đi biền biệt hàng chục năm trời chưa về gặp con một lần. Ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, cho biết, toàn xã có hơn 3.390 hộ dân, hiện có gần 3.000 người đang đi XKLĐ, hàng năm gửi về nhà khoảng 400-500 tỷ đồng. Gần như nhà nào cũng có người đi XKLĐ và thậm chí có gia đình từ 5-10 người cùng đi. Cũng vì cuộc sống mưu sinh nên bố mẹ phải gửi con ở quê cho ông bà.

​Cũng như nhiều “làng tỷ phú” ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, tại xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), một xã nghèo ven bờ sông Gianh, ngày nay nhà lầu cũng san sát. Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND xã, khoát tay: “Hơn 1.000 con, em đi XKLĐ ở khắp 5 châu, mỗi năm đưa về hơn 50 tỷ đồng. Nhờ đó, tại quê nhà, người thân mở mang làm ăn, buôn bán, hơn 60% hộ dân có nhà 2 tầng”.

Ra phía Bắc Quảng Bình, gặp ông Nguyễn Văn Bằng, thôn Xuân Hòa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch), ông cho biết: “Nhà tôi có 7 người thì đi XKLĐ 5 người. Con cái về quê đều xây nhà đàng hoàng, nguồn tiền còn lại thì mua bán, kinh doanh, không la cà vào quán xá, rượu chè”.

​​​​Phát huy lợi thế hậu xuất khẩu lao động

​Nhiều NLĐ đã nối dài thành công nhờ phát huy nguồn vốn và kinh nghiệm học được ở nước ngoài. Ngược về phường Phú Hải (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi gặp ông Nguyễn Đức Hùng, một người đi XKLĐ tại Hàn Quốc trở về mở công ty sản xuất nhôm kính Đức Hùng và một nhà hàng thịt nướng. Hai vợ chồng ông mỗi năm tạo việc làm cho hơn 12 nhân viên với mức lương từ 7-9 triệu đồng/người/tháng, người cao nhất 15 triệu đồng/tháng.

Người dân thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ai cũng biết ông Dương Đức Hiển đi XKLĐ ở Hàn Quốc về mở công ty, tạo việc làm cho 150 con, em địa phương với thu nhập từ 8-9 triệu đồng/người/tháng, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.

Gặp ông Hiển, ông cười tâm sự: “Năm 2007 tôi về nước, hiểu được nỗi khổ lúc đi XKLĐ nên rất muốn làm một việc gì đó cho quê hương. Có kỹ năng may mặc khi đi XKLĐ nên tôi vay vốn mở xưởng may, làm quen với các bạn hàng, nay có hàng hóa xuất đi nhiều nơi trên thế giới”.

Còn những người trong nghề cơ khí, chế tạo máy và người dân xã Hưng Đông (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) không xa lạ anh Lê Quốc Đại, người đi XKLĐ ở Đài Loan. Ngoài “lưng vốn” kha khá, anh còn “lận lưng” tay nghề bậc cao về cơ khí, chế tạo máy. Anh Đại đã sửa chữa nhiều vụ hỏng hóc khó và bắt đầu nổi tiếng với biệt danh Đại “Nghệ”. Năm 2016, anh mở công ty chuyên cơ khí, chế tạo máy, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập từ 10-14 triệu đồng/người/tháng.

Anh chia sẻ, XKLĐ là con đường thoát nghèo, nhưng nếu không biết tích lũy đồng tiền mình làm ra và phát huy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp thì đó là thất bại. Không ít người đã thành công nhờ biết phát huy đồng vốn và đặc biệt là tay nghề, kinh nghiệm học được ở nước ngoài.

* Ông VI NGỌC QUỲNH, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Nghệ An:

“Nghệ An, một trong những địa phương có NLĐ đi XKLĐ nhiều nhất, năm qua tỉnh có 24.500 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2023, tỉnh Nghệ An dự kiến đưa 13.550 NLĐ đi XKLĐ. Sở LĐTB-XH tiếp tục yêu cầu công khai, minh bạch hợp đồng tuyển dụng lao động, đơn hàng, chi phí, tiền lương. Song song đó, sở cũng đã đưa ra những cảnh báo rủi ro NLĐ sẽ gặp phải khi đi lao động ở nước ngoài không theo hợp đồng.

Ngoài ra, sở cũng đẩy mạnh công tác tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ; đẩy mạnh mối liên kết giữa xã, phường, thị trấn với đơn vị hoạt động đưa người đi XKLĐ, góp phần đưa công tác XKLĐ theo hướng có hiệu quả hơn”.

Tin cùng chuyên mục