1. Nhà thơ Lê Giang (sinh năm 1930, tên khai sinh là Trần Thị Kim) được biết đến như một người cần mẫn với văn chương cũng như văn hóa truyền thống. Ngoài thơ và tản văn, bà còn dày công biên soạn sách dân ca. Bạc đầu nhớ má là tuyển tập gồm 40 bài bút ký của nhà thơ Lê Giang, chọn lọc từ các tác phẩm đã in từ trước như: Khói bếp không tan, Bỏ qua rất uổng, Còn khóc ngon lành, Gặp gì ăn nấy, xin mời! và Ừa, chỉ có vậy thôi.

Có rất nhiều nỗi nhớ trong tuyển tập Bạc đầu nhớ má. Đó là những ngày hành quân trên dải Trường Sơn dưới cái nắng gay gắt, hay mưa dông tầm tã. Đó là cái tết ở chiến khu giản dị mà “thương nhau chết đi được”. Là những ngày về miền Tây sưu tầm ca dao, nơi có “mấy ông già búi tóc củ tỏi trượng phu khảng khái mà tình cảm mặn mà, mấy bà già áo rách, quần vo ống vận hay rầy la con cháu ra rả mà tràn ngập yêu thương…”.
Nhưng có lẽ, để lại nhiều rung động cho người đọc nhất vẫn là nỗi nhớ về mẹ. Nỗi nhớ ấy dường như không có hạn định, trải dài từ lúc tóc xanh cho đến khi bạc đầu. Những bài viết Cái ơ kho quẹt “nổi tiếng”, Khói bếp không tan, Chuyện về chiếc khăn choàng hầu, Bạc đầu nhớ má, “Bút đàm” với má… hiện lên hình ảnh một bà má Nam bộ chân chất, mộc mạc và rất giàu thương yêu. Những ký ức gắn bó bên người mẹ qua những bữa ăn, qua những món ăn được chắt chiu từ ruộng vườn, qua cách đối đãi với những người dân quê, kể cả những người chưa quen… như vẫn còn rõ ràng trong tâm trí, dù hàng chục năm đã trôi qua. Từ bà má của mình, nhà thơ Lê Giang làm thức dậy nơi những người con lòng thương yêu dành cho tất cả những người mẹ nói chung.
2. Lý tưởng cách mạng đến với chàng thanh niên Lư Nhất Vũ (sinh năm 1936, tên khai sinh là Lê Văn Gắt) từ sớm. Sau Hiệp định Genève (1954), ông tập kết ra Bắc. Tuy nhiên, khác với đại đa số học sinh miền Nam thời bấy giờ, ông không tập kết theo quy trình mà vượt tuyến ra Bắc, từ Cửa Việt ra Cửa Tùng bằng thuyền đánh cá của ngư dân. Ở miền Bắc, ông tham gia Thanh niên xung phong, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và công tác ở Đoàn ca múa miền Nam. Năm 1970, ông cùng một số anh em nhạc sĩ vào chiến trường miền Nam theo đề nghị của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.
Đọc tự truyện Ngày ấy đã qua rồi, bạn đọc không chỉ thấy được chân dung đầy quả cảm, gan dạ của chiến sĩ Lư Nhất Vũ, mà còn thấy được sự nghiêm túc, lúc nào cũng mang trong mình ý thức trau dồi dành cho nghệ thuật. Khi ôm ấp hoài bão cho ra đời một vở nhạc cảnh giống những vở nhạc kịch Cô Sao (nhạc sĩ Đỗ Nhuận), hay Bên bờ Krông Pa (nhạc sĩ Nhật Lai), nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tự dặn mình “không ngừng tích lũy vốn sống, vốn nghề nghiệp, vốn âm nhạc dân tộc. Và, quan trọng nhất vẫn là rèn luyện được sự kiên nhẫn, miệt mài trong lao động sáng tạo”.
Những điều này đã không còn là suy nghĩ nằm trong đầu mà được hiện thực hóa bằng những hành động. Trong hành trình vượt Trường Sơn trở lại miền Nam năm ấy, ngoài các trang bị như người lính, ông còn mang theo gần 3kg sách, tài liệu nghiên cứu về các nhạc cụ. Suốt 4 tháng hành quân, có khi bị rắn độc cắn tưởng chết, lúc bị sốt rét ác tính vật… ông vẫn không nỡ rời xa những cuốn sách quý, xem đó là trách nhiệm của mình, mang tài liệu, kiến thức cho các đồng đội văn nghệ sĩ đang sáng tác trong chiến trường miền Nam.
Những nỗ lực cùng tài năng đã mang đến cho ông nhiều “quả ngọt”: gần 200 ca khúc; 2 nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác, Hòn Khoai; 3 hợp xướng Chiều trên bản Mèo, Đất quê ta Bình Dương, Khởi nghĩa Nam kỳ; 1 bản trường ca về sông Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện; cùng hàng chục nhạc múa, nhạc sân khấu và nhạc phim. Đọc Ngày ấy đã qua rồi, qua những câu chuyện, lời kể giản dị, chân thành của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, bạn đọc ngày hôm nay phần nào có thể thấy được một thời kỳ gian lao mà anh dũng của những người nghệ sĩ - chiến sĩ trên khắp đất nước.
Đến nay, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang đã có hơn 50 năm gắn bó. Bằng tình yêu dành cho văn học nghệ thuật cũng như tình yêu dành cho nhau, cả hai đã có sự kết hợp ăn ý, tạo ra nhiều ca khúc đi cùng năm tháng: Khúc hát người đi khai hoang, Bên tượng đài Bác Hồ, Lời ru sau cơn giông, Bài ca anh Giải phóng quân, Hãy yên lòng mẹ ơi, Bài ca Đất Phương Nam…; những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị như: Hò trong dân ca người Việt, Hát ru Việt Nam, 300 điệu lý Nam bộ...