Tuy nhiên, đối với các cán bộ ngoại giao, nhiều khi phải đón nhiều cái Tết ở nước ngoài, không có người thân bên cạnh, chẳng có bánh chưng, thiếu hẳn không khí ấm áp của các cuộc đoàn tụ gia đình. Nỗi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ người thân, quê hương thật da diết làm sao, thật khó diễn tả hết được. Đón Tết ở nước ngoài không chỉ những khi được cử đi công tác nhiệm kỳ ở các cơ quan đại diện, mà còn cả những lúc được cử đi dự các hội nghị quốc tế đúng vào dịp Tết.
Cá nhân tôi, có ít nhất hơn chục lần phải đón Tết ở nước ngoài, lúc có người thân, vợ con bên cạnh, nhưng cũng nhiều lúc chỉ có một mình. Có rất nhiều cảm xúc khi Tết đến mà mình đang ở ngoài nước. Chúng tôi ai cũng có nhiều kỷ niệm khó quên khi đón Tết cổ truyền dân tộc ở nước ngoài.
Ông Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản và CHLB Đức |
Còn nhớ lắm những cái Tết đầu tiên xa nhà, khi ở Liên Xô đầu những năm 1980. Để giảm bớt nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, chúng tôi phải hòa vào không khí bận rộn của cả cơ quan chuẩn bị đón Tết. Cơ quan lo Tết cho cán bộ, nhân viên, đồng thời cũng tổ chức những hoạt động mời bạn bè sở tại, quốc tế đến chia sẻ niềm vui với mình.
Thường chúng tôi cũng cố gắng tạo không khí cho gần giống với trong nước: cũng có cành hoa đào, có bánh chưng xanh, có mâm ngũ quả, có các món ăn ngày Tết như giò, chả, nồi thịt nấu đông, canh măng… Đương nhiên, những món đó chỉ là gần giống, tương đối giống với những thứ trong nước mà thôi, vì điều kiện ở xa Tổ quốc.
Sau này, khi công tác tại Mỹ, tại Nhật Bản, tại CHLB Đức, những kỷ niệm đáng nhớ với tôi là không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán cho bà con người Việt. Ở Nhật Bản, bên cạnh Tết cho cộng đồng, chúng tôi tổ chức một sự kiện Tết đối ngoại, mời các chính khách, bạn bè người Nhật và một số bạn bè quốc tế thân thiết đến dự.
Đây được xem như hoạt động đối ngoại rất có ý nghĩa, vừa để chia sẻ niềm vui với bạn bè, vừa để giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Thường rất nhiều chính khách Nhật Bản đến dự, có cả cựu Thủ tướng, nhiều Bộ trưởng, nghị sĩ Quốc hội, lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo nhiều tổ chức hữu nghị đến dự.
Kỷ niệm rất đáng nhớ với tôi khi làm Đại sứ tại CHLB Đức (2015-2018), là những cái Tết dành cho cộng đồng người Việt, với sự tham dự của cả ngàn người, ít nhất là vài trăm người dự, dưới sự chủ trì của Đại sứ quán và sự góp sức, góp công của bà con trong cộng đồng.
Chương trình được chuẩn bị kỹ lưỡng hàng tháng trước đó, nội dung được bàn bạc cặn kẽ. Có cả màn Lễ Tổ tiên, luộc bánh chưng, đốt pháo, chương trình văn nghệ do các nghệ sĩ được mời trong nước sang biểu diễn phục vụ bà con, cũng có các tiết mục tự biên tự diễn của bà con thuộc các hội đoàn người Việt đang sinh sống ở Đức.
Đến tận bây giờ, vẫn nhiều người nhắc đến những kỷ niệm đẹp đẽ, ấm áp của các hoạt động đón Tết những năm đó. Ngoài hoạt động chung đó, chúng tôi thường cử cán bộ đến dự các hoạt động đón chào năm mới của bà con ta ở các vùng miền của nước Đức.
Do vậy, dù sống xa gia đình, xa Tổ quốc, các cán bộ ngoại giao chúng tôi cũng tạo ra những không khí ấm áp, đậm tình thân, tình nghĩa dân tộc trong lòng người Việt ở xa Tổ quốc. Những kỷ niệm rất đẹp, không bao giờ quên.