Trong đó, có nhiều chân dung không những chân thực, sinh động mà còn giàu ý nghĩa. Nó ẩn chứa những suy tư về cuộc sống gian truân, đầy cố gắng của nhà văn theo đuổi lý tưởng của mình.
Họ dốc sức sáng tạo ra những tác phẩm để thể hiện hình ảnh nhân dân, chiến sĩ và họ khuất sau những tác phẩm ngôn từ đó. Bây giờ, dưới ngòi bút mô tả và chiêm nghiệm của Thanh Quế - một người bạn văn, họ hiện lên hấp dẫn và thân thiết.
Đó là chân dung của Phan Tứ “chạy đua với thần chết” để viết xong cuốn tiểu thuyết cuối cùng; đó là nhà văn Nguyễn Trọng Oánh - “nhà văn suốt đời không bao giờ được hưởng những phút giây sung sướng”…; đặc biệt là nhà văn liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Cẩm Phong - “ông Trung làng Mực”, Thu Bồn, Ca Lê Hiến, Nguyễn Mỹ…, và cả nhà phê bình trẻ Hồng Tân mất ở tuổi đời đầy triển vọng cũng là những chân dung khó quên.
Viết chân dung, viết truyện ký, cái thần là những chi tiết làm người đọc khó quên. Nhiều khi nó đọng lại ở câu kết. Nó làm người đọc xúc động, bâng khuâng mãi. Như về nhà văn Nguyễn Thành Long: “…Sau này, ra Hà Nội, cứ mỗi lần có dịp đi qua phố Dã Tượng, tôi lại đứng trước ngõ nhà cũ của ông, nhìn lên gác. Kìa, tôi như vẫn thấy ông đứng chống tay lên lan can, miệng lẩm nhẩm đọc, mắt nhìn xa xa, mênh mang buồn…”.
Đi qua hết cuốn sách, ta có thêm những ấn tượng về cuộc đời gian khổ, sinh tử của nhiều nhà văn trong những năm tháng ấy của đất nước.
(*) Nhà xuất bản Văn học, 2020