Giải mã
Tính đến 13 giờ ngày 6-2, bộ phim Nhà bà Nữ có doanh thu gần 379 tỷ đồng. Thành công lớn nhất của phim, theo nhà phê bình Nguyễn Phong Việt, đã góp phần “cứu” phòng vé Việt sau 2 năm đối diện rất nhiều khó khăn. Là khán giả quan tâm đến điện ảnh Việt, chị Kim Dung (ngụ đường Bùi Minh Trực, quận 8, TPHCM) cũng chung quan điểm: “Mừng vì điện ảnh Việt sau dịch đang trông đợi một bộ phim bùng nổ doanh thu, chúng ta đã có”.
Khi đặt câu hỏi, đâu là nguyên nhân thành công của Nhà bà Nữ, có rất nhiều lý giải cả về mặt khách quan và chủ quan. Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt và anh Trần Xuân Phúc - người có kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực truyền thông về phim ảnh, đều nhấn mạnh đến yếu tố đầu tiên: Thị trường mùa phim tết.
Việc chỉ có 2 phim Việt ra mắt (Siêu lừa gặp siêu lầy rút lui vào giờ chót), lại hoàn toàn vắng bóng bom tấn nước ngoài, nên mọi sự chú ý đổ dồn vào Nhà bà Nữ. Tên tuổi và sức ảnh hưởng của Trấn Thành (kể cả đội ngũ anti-fan khổng lồ) cũng góp phần quan trọng khiến phim trở thành tâm điểm truyền thông. “Người chê người khen càng kích thích sự quan tâm của khán giả, nhà nhà người người đi xem về cùng tham gia bàn luận”, anh Xuân Phúc nhấn mạnh.
Những tranh cãi liên quan đến Nhà bà Nữ vẫn chưa đi đến hồi kết. Phía ủng hộ và chê phim đều viện dẫn đủ các lý do để chứng minh cho luận điểm của mình. Đạo diễn Đinh Đức Liêm cho rằng, Nhà bà Nữ không phải một tác phẩm điện ảnh truyền thống, mà là một bi - hài kịch hiện đại gói trong thời lượng một phim. “Nếu tìm đến nó để thưởng thức sẽ thấy rất khó chịu.
Nhưng đến xem với tâm thế coi giờ thiên hạ sống sao, nghĩ gì, xem cái gì, kiếm tiền ra sao, cũng thấy nó đánh được vào sự quan tâm của mọi người. Đó cũng là thành công theo chủ đích. Chứ phim như vậy không phải là loại phim để đời, đi vào hậu thế với ý nghĩa kinh điển, mặc dù nó có thể sẽ có doanh thu kỷ lục từ trước tới nay trong lịch sử điện ảnh Việt”, anh nêu quan điểm.
Những quan ngại
Có rất nhiều câu hỏi và cả sự quan ngại cho thị trường điện ảnh Việt sau Nhà bà Nữ liệu sẽ có thêm những bộ phim “na ná” như thế. Khán giả Thu Hương (ngụ chung cư Oriental, quận 4, TPHCM) bày tỏ: “Tôi thấy lo vì dạng phim mang màu sắc truyền hình kiểu này ra rạp mà thắng, thì riết còn gì gọi là điện ảnh. Ở nhà đợi coi sau cũng được”.
Theo anh Xuân Phúc: “Điều đáng lo chính là các nhà sản xuất ít kinh nghiệm sẽ cho rằng rạp phim vẫn là một canh bạc dễ ăn, dẫn đến việc thực hiện các tác phẩm sơ sài, đem chiếu đại cho xong. Viễn cảnh định kiến của khán giả cho phim nội địa ngày càng cao và ảnh hưởng xấu đến những bộ phim được làm đàng hoàng”.
Đặt vấn đề, nếu thị trường chỉ có phim gia đình “kiểu Trấn Thành” hay “kiểu Lý Hải”, anh Phong Việt nêu quan điểm, với bất cứ nền điện ảnh nào, luôn cần phim nhiều thể loại, màu sắc khác nhau. Thị trường cần phim có doanh thu và cũng cần phim nghệ thuật để nâng cấp thẩm mỹ khán giả. Do đó, những người như Trấn Thành, hay cả Lý Hải là cần thiết để kéo khán giả ra rạp và nhà sản xuất có tiền tái đầu tư.
Đạo diễn Đinh Đức Liêm cũng đồng quan điểm đó, thị trường thời điểm này cần những sản phẩm như thế để kích thích, tạo cú hích và động lực sản xuất. Khi thị trường phát triển, làm ra nhiều phim hơn, lúc đó trình độ xem của khán giả cũng sẽ cao hơn, có sự chọn lọc tự khắc nhà sản xuất sẽ hoạch định màu sắc đa dạng hơn: nghệ thuật, thương mại, tác phẩm độc lập, hay bom tấn đúng như ở các nền điện ảnh phát triển.
Trên thực tế, phản ứng dây chuyền kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” từng xảy ra với điện ảnh Việt. Một thời gian, các phim về đề tài thanh xuân vườn trường, kinh dị, hài nhảm… từng liên tiếp ra rạp nhưng đều thất thu. Lấy cột mốc năm 2003 - thời điểm bắt đầu bùng nổ của dòng phim tư nhân với Gái nhảy (đạo diễn Lê Hoàng), anh Phong Việt cho rằng, sau hơn 20 năm điện ảnh Việt vẫn còn non trẻ mới. Anh đặt ra so sánh các quốc gia Hàn Quốc hay Thái Lan đã có những bước phát triển thần kỳ. Trong khi đó, điện ảnh Việt hiện vẫn còn tranh cãi một bộ phim doanh thu gần 400 tỷ đồng có thuần điện ảnh, hay vẫn mang màu sắc truyền hình, sân khấu, web drama.
Điện ảnh Việt đang khá bị động và khi làm phim vẫn đang phải cầu trời “thương” để có thể thắng. Thực tế đó cho thấy, nhiều nhà làm phim vẫn đang trông chờ vào vận may kiểu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, thay vì ngay từ đầu đã có niềm tin lớn vào sản phẩm mình làm ra.
"Theo tôi, cái đáng lo hơn là nhân sự, ngành “công nghiệp điện ảnh” hiện vẫn cực kỳ mong manh, nghiệp dư. Chúng ta đang mong chờ vào một vài cá nhân và không có cơ chế tạo nên sự đồng bộ về mặt con người sau chừng ấy năm"- Nhà phê bình
Nguyễn Phong Việt