Những hang động hàng đầu thế giới
Hang Sơn Đoòng phát hiện vào năm 1990 và được Tổ chức kỷ lục thế giới (Guinness) ghi nhận là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 38,5 triệu m3; đồng thời được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003.
Hang Sơn Đoòng có mặt cắt ngang lớn nhất so với bất kỳ hang động nào được biết đến trên hành tinh; hang dài 9km, cao 200m và rộng 160m. Ước tính dung tích của Hang Sơn Đoòng là 36.800.000m2 (tương đương 15.000 bể bơi Olympic).
Hang Sơn Đoòng được hình thành khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày tạo thành những vòm hang khổng lồ. Hang có hai "giếng trời", là hai nơi mà trần bị sụp, đưa nắng chiếu vào, tạo điều kiện cho cây cối phát triển như một khu rừng nhiệt đới trong hang động, một nơi trong đó được gọi là "vườn Adam".
Sơn Đoòng được Tạp chí Time Out miêu tả: “Nằm ở vùng rừng núi tỉnh Quảng Bình, vực thẳm khổng lồ này có mặt cắt ngang lớn nhất so với bất kỳ hang động nào được biết đến trên hành tinh, một khu vực rộng lớn đến mức khó diễn tả. Người ta cho rằng một chiếc Boeing 747 có thể bay qua mà không làm hỏng cánh”.
Đến lãnh địa người A rem, bạn nên ghé hang Én, hang động lớn thứ 3 thế giới. Đây là hang động mà mỗi năm, người A rem đến mùa đi lấy tổ én trên cheo leo vách hang. Hang động này nhiều chim én về làm tổ nên nó được đặt tên là hang Én. Với chiều dài gần 2km, cửa hang Én là cửa hang lớn nhất và nổi tiếng nhất có chiều cao 120m và chiều rộng 140m.
Ở Tân Trạch cũng sở hữu hang động lớn thứ 4 thế giới là hang Pygmy, với chiều dài 845m, chiều cao và rộng hơn 100m. Nằm trong hệ thống hang Tiger (hang Hổ), đây chính là cung đường trekking tuyệt đẹp dành cho những người yêu thích khám phá và chinh phục mạo hiểm. Nó nằm ven suối Rục Cà Roòng nên người bản địa vẫn thường lui tới khu vực này trong các mùa lễ hội, săn én.
Ở xã Tân Trạch còn có các kiệt tác hang động tuyệt đẹp khác là hang Đại Ả, hang Over, thuộc hệ thống hang Vòm. Hang Đại Ả có tên gọi khác là hang Hổ, có chiều dài 1.616m, độ sâu 46m, cửa hang rộng khoảng 50m. Hang Over nằm cách hang Hổ khoảng 100m, có chiều dài 3.244m, độ sâu 104m, cửa hang rộng khoảng 30m, cao khoảng 25m, điểm rộng nhất là 125m. Sơn Đoòng, Én, Đại Ả, hang Over, hang Pygmy là khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, kiểu rừng tự nhiên trên núi đá vôi, tính đa dạng sinh học cao và đặc biệt là hệ thống hang động độc đáo, hấp dẫn.
Cả hệ thống hang này có một hố sụt rất lớn mà mới đây các nhà thám hiểm gọi là hố sụt Kong. Năm 1997, Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh (BCRA) phát hiện một đường dẫn đến hố sụt Kong sau khi các thành viên bơi 20 phút xuyên hang Đại Ả. Nhưng lối ra của nơi này vẫn là một bí ẩn vào thời điểm đó, nên nó từng được đặt tên là hố sụt Ngõ Cụt. Đầu năm 2020 những nhà thám hiểm của Jungle Boss trở lại Kong khám phá, xác định chiều cao của nó lên đến 450m từ đỉnh cao nhất xuống đáy. Tên Kong ra đời vì chụp toàn cảnh bằng flycam người ta thấy nó quá rộng lớn, có cái đầu như Kong trong bộ phim bom tấn từng công chiếu trên toàn cầu có nhiều cảnh quay ở Quảng Bình. Hiện hố sụt Kong được cho là một trong những hố sụt sâu nhất thế giới mà con người từng biết.
Loài bách xanh thuần chủng
Người dân sẽ mãi ghi công Tiến sĩ Leonid Averyanov (Nga) trong lịch sử sinh học thế giới khi ông công bố thông tin phát hiện một khu rừng bách xanh núi đá mọc ở độ cao từ 600-1.000m so với mực nước biển, tại xã Tân Trạch. Đây là quần thể thuần chủng bách xanh núi đá duy nhất trên thế giới chưa có dấu chân người. Bách xanh là loài cổ thực vật được xem như hóa thạch sống của ngành hạt trần, nó xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm, là cây gỗ lớn thường xanh, cao tới 25-30m, đường kính thân hơn 1,3m. Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu, Bách xanh được phân bổ trên đỉnh núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng, ước diện tích có khoảng trên 5.000ha.
Xét về mặt đông đặc, thì có khoảng 2.500ha với mật độ 600 cây/ha. Các cây bách xanh ở đây có tuổi từ 500-600 năm. Ông Nguyễn Tấn Hiệp, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, ông đã có hơn 2 tháng cùng các cán bộ của trung tâm khoa học và Tiến sĩ Leonis, Chuyên gia hàng đầu về thực vật của Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, rong ruổi khắp các cánh rừng Bách xanh. Và hiện tại ông có thể tự hào khẳng định, đây là phát hiện có ý nghĩa nhất vì quần thể bách xanh núi đá này lớn chưa từng thấy.
Ông Hiệp cũng cho rằng, đây còn là một phát hiện có ý nghĩa toàn cầu. Bởi hiện trên thế giới chỉ có 3 loài Bách xanh đã được nhận diện. Việt Nam hiện có một vài cá thể bách xanh núi đất rải rác ở một số tỉnh phía Bắc, nhưng chưa nơi nào có quần thể bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris) rộng lớn như thế này. Đây là loài thứ 4, đặc hữu, chỉ có ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Chính vì thế mà UNESCO phong tặng di sản thiên nhiên thế giới lần 2 về đa dạng sinh học đối với Phong Nha - Kẻ Bàng. Quần thể bách xanh núi đá được tự hào liệt vào tính toàn cầu với những nổi bật như cổ nhất, thuần chủng nhất, phân bố rộng lớn nhất mà trên thế giới không tìm đâu ra một quần thể Bách xanh núi đá thứ hai.
Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho biết, với quê hương có nhiều hang động hàng đầu thế giới, tính đa dạng sinh học cao, vườn địa đàng bách xanh núi đá thuần chủng, thì trong tương lai, người dân bản địa sẽ có nhiều việc làm hơn khi du khách đến ngày một nhiều; cùng với tiềm năng cảnh quan đẹp kỳ diệu ở đây sẽ là động lực cho địa phương phát triển.