* Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Đối với vấn đề phục hồi kinh tế hậu Covid-19, chúng tôi có 4 khuyến nghị dành cho Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế; đẩy mạnh việc đặt hàng và phân phối vaccine Covid-19, đồng thời cũng cần lên kế hoạch phân phối vaccine trong tương lai. Về lâu dài, Việt Nam nên cân nhắc khả năng tái xây dựng hệ thống y tế hậu đại dịch.
Thứ hai, Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là giảm sự “cứng nhắc” trong hệ thống phân bổ ngân sách, cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu. Và, phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về danh mục các khoản đầu tư hiện nay.
Thứ ba, cân nhắc về tính hiệu quả, không chỉ trong các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mà còn phải để tâm đến việc nâng cao tính hiệu quả của hoạt động Chính phủ. Một giải pháp quan trọng là áp dụng các cơ chế số hóa; đồng thời đầu tư cho các doanh nghiệp, để giúp họ ứng dụng được những công nghệ số mới.
Thứ tư, các gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, cá nhân, các hộ gia đình so với khu vực cho tới thời điểm này vẫn còn thấp, cho nên có thể xem xét việc gia tăng hỗ trợ và chúng tôi tin rằng vẫn còn dư địa tài khóa để làm việc này. Tất nhiên, đi cùng với đó là quy trình thực hiện minh bạch và mục tiêu cụ thể, rõ ràng.
* Ông Patrick Lenain - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD):
Việc duy trì chiến lược “zero Covid” không thể kéo dài mãi, vì nó đòi hỏi phải đóng cửa hoàn toàn biên giới, và đưa ra các hạn chế thường xuyên, gây gián đoạn phát triển kinh tế, với những tác động tiêu cực lâu dài. Australia, New Zealand, Singapore cuối cùng đã từ bỏ chính sách “zero Covid” và Việt Nam đã đúng khi làm điều tương tự. Nhờ chính sách học cách sống chung an toàn với dịch bệnh mới này, các hoạt động kinh tế - xã hội hiện đang dần được nối lại. Sản xuất công nghiệp đã phục hồi và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang giảm dần.
Nhưng, đại dịch vẫn hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới. Biến thể mới Omicron là một nguy cơ mới đe đọa triển vọng tăng trưởng kinh tế và sẽ mất nhiều thời gian để các hoạt động như du lịch, lữ hành và khách sạn trở lại bình thường. Vì vậy, tôi đề xuất 3 ưu tiên sau:
Thứ nhất, điều cần thiết là phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất cao, càng sớm càng tốt, bao gồm cả việc triển khai tiêm mũi nhắc lại vaccine Covid-19. Đủ vaccine để tiêm cũng chưa đủ, cần phối hợp tốt để phân phối, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, thuyết phục những người còn lưỡng lự đi tiêm chủng.
Thứ hai, các giải pháp hỗ trợ kinh tế vĩ mô cần phải mạnh mẽ và nhanh chóng. So với các nền kinh tế phát triển, việc triển khai các gói hỗ trợ chính sách của Việt Nam còn ít và chậm, có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng dài hạn.
Thứ ba, chi tiêu công nhiều hơn sẽ đồng nghĩa với việc nợ nhiều hơn, vì vậy việc lựa chọn các chương trình chi tiêu tốt là rất cần thiết. Các lĩnh vực cần chú trọng đầu tư công là biến đổi khí hậu, giáo dục và phát triển kỹ năng.
Với những cải cách chính sách đúng đắn, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được sự thịnh vượng về kinh tế trong tương lai gần.
* Nguyên Phó Thủ tướng Đức Phillip Roesler:
Tôi tin tưởng rằng để phục hồi sau khủng hoảng Covid-19, Việt Nam nên tập trung vào thế mạnh của mình. Đầu tiên và quan trọng nhất là khả năng sản xuất. Thứ hai là phát triển công nghệ. Hiện nay, nhiều sản phẩm chất lượng cao đã được lắp ráp tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên tập trung nâng cao năng lực công nghệ của mình - đây chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Có 2 xu hướng chính mà nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới là phát triển bền vững và số hóa. Về vấn đề phát triển bền vững, Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều ở cả hai lĩnh vực này, bởi Việt Nam có nền nông nghiệp rất vững mạnh; có nhiều start-up và một cộng đồng doanh nghiệp trẻ trung và sáng tạo.
Tôi đặc biệt khuyến nghị Việt Nam nên giữ tinh thần lạc quan. Việt Nam luôn được đón chào trên toàn thế giới.