Bước đệm cho người yêu sách
Được ủng hộ bởi Cục Xuất bản - In và Phát hành, Hội Xuất bản Việt Nam cũng như các nhà tài trợ, cộng đồng, hệ thống cà phê thư viện Wiselands (The Wiselands) vừa được ra mắt với hai không gian đầu tiên tại 185 Bis đường Võ Thị Sáu (quận 3, TPHCM) và 17 đường Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cục Xuất bản - In và Phát hành cam kết mỗi năm tài trợ tối thiểu 1.000 cuốn sách cho The Wiselands, riêng năm đầu tiên đã chuyển về 3.000 cuốn.
Sau hơn một tháng ra mắt, The Wiselands tại TPHCM đang có hơn 2.000 đầu sách các thể loại. Đây là mô hình cà phê kết hợp thư viện sách cộng đồng miễn phí. Nơi đây được thiết kế thành nhiều không gian khác nhau, có nhiều cây xanh tạo cảm giác mát mẻ và trong lành. Bà Lê Thị Phương Thảo, quản lý The Wiselands tại TPHCM, cho biết: “Chúng tôi tạo ra không gian này giống như một bước đệm cho người yêu sách. Ban đầu, có thể người ta đến uống cà phê vì không gian đẹp, rồi chụp hình check-in, sau đó, qua sự tiếp xúc dần dần sẽ tạo cho họ cảm giác muốn tìm hiểu và đọc sách”.
Kể từ khi biết đến The Wiselands, Tuấn An (sinh viên năm thứ 2, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) thường đến đây để học bài, đọc sách. “Tôi thích không gian này bởi nơi đây rất yên tĩnh. Ở thư viện có khi rất đông, không được yên tĩnh như ở đây”, Tuấn An chia sẻ.
Ra đời trước The Wiselands một tháng là Nam Thi House (số 152 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM). Không gian nơi đây tạo cảm giác gần gũi, thân thiện, là không gian lý tưởng cho việc đọc sách. Bên cạnh khu vực đọc sách dành cho người lớn rộng 120m2, còn có không gian đọc dành cho trẻ em rộng 84m2. Hiện tại, mức phí sử dụng không gian nơi đây là 60.000 đồng/4 giờ. Khách hàng có thể sử dụng sách tại Nam Thi House hoặc mang sách đến đây đọc.
Nói về lý do ra đời của Nam Thi House, nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy, giám đốc dự án, cho biết: “Trải qua nhiều khâu trong ngành sách, tôi nhận ra rằng, để có thể thúc đẩy toàn bộ ngành sách phát triển thì điều quan trọng nhất là phải có người đọc. Chúng ta không chỉ tặng hoặc bán sách cho người ta là xong, mà phải quan tâm xem người ta có đọc và tiếp tục đọc hay không. Chúng ta tạo ra càng nhiều người đọc thì ngành sách mới phát triển, ngành sách phát triển thì văn hóa mới phát triển”.
Tiếp sức cho văn hóa đọc
Dù chỉ mới ra đời nhưng cả The Wiselands lẫn Nam Thi House đã và đang nhận được những tín hiệu tích cực. Nam Thi House mở cửa từ 9 giờ sáng đến 18 giờ tối, từ thứ ba đến chủ nhật. Nơi đây đón hơn 800 lượt khách đọc sách trong tháng đầu tiên. Còn The Wiselands mở cửa từ 7 giờ sáng đến 22 giờ hàng ngày trong tuần, mỗi ngày có 100 khách, trong đó một nửa số lượng này có hành vi đọc sách.
Xét về doanh thu của không gian đọc, sẽ cần một khoảng thời gian khá dài để có thể bù đắp được chi phí đầu tư. Nhưng bà Đặng Nguyễn Đông Vy cho rằng, tín hiệu ban đầu là lạc quan, khi được khách hàng chấp nhận và sau thời gian ngắn đã có một lượng khách hàng quen thường lui tới đọc sách. “Chúng tôi nhìn thấy được nhu cầu của thị trường về một không gian yên tĩnh hơn các quán cà phê để đọc sách lẫn làm việc. Đầu tư cho hoạt động văn hóa là đầu tư mang tính dài hạn. Và như vậy, nếu đầu tư dài hạn thì không nên đặt câu hỏi về những lợi ích hay lợi nhuận trước mắt”, bà Đông Vy bày tỏ.
Theo bà Lê Thị Phương Thảo, nguồn sách mà The Wiselands có được là từ các đơn vị xuất bản, các cá nhân và tổ chức quyên góp - cả sách cũ và mới. Sau này, khi số lượng sách ở đây nhiều lên và cũ đi sẽ được chuyển sang những tổ chức, thư viện ở vùng sâu vùng xa để ở đâu cũng có sách mới.
Bà Lê Thị Phương Thảo cho rằng, câu chuyện phát triển văn hóa đọc không thể một ngày một giờ mà làm được, cũng không thể một đơn vị có thể làm được. “Chúng tôi kỳ vọng chỉ góp một phần nhỏ trong việc kết nối giữa những nhà hảo tâm thông qua việc tài trợ cho chương trình khuyến đọc với những đơn vị xuất bản và phát hành đến những người cần sách. Thư viện cộng đồng do cộng đồng phát triển và cộng đồng duy trì. Lợi nhuận từ cà phê hay các hoạt động khác, chúng tôi sẽ tái đầu tư để xây dựng thêm những không gian như vậy”, bà Phương Thảo chia sẻ.
"Đa số người Việt hiện vẫn chưa có thói quen vào thư viện đọc sách. Có thể vì không khí trong thư viện hơi ngột ngạt, nghiêm nghị, chưa gần gũi với sự thay đổi về cảm xúc của các đối tượng, nhất là những người trẻ. Chỉ các nhà sách, đường sách thôi không đủ mà phải có thêm nhiều không gian đọc, vì nhu cầu và tính cách của độc giả không giống nhau. Và mỗi không gian như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu riêng của mỗi người" - Nhà văn ĐẶNG NGUYỄN ĐÔNG VY |