3 hiểu lầm thường gặp về đột quỵ
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Mai Uyên, trong quá trình khám chữa bệnh, bà đã gặp rất nhiều người trẻ có suy nghĩ rằng đột quỵ hầu như chỉ xảy ra ở độ tuổi trung niên, rất ít gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Thực tế, trước đây, đột quỵ chủ yếu gặp ở nhóm người cao tuổi (độ tuổi trung bình là 50-70 tuổi), thường có tiền sử bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhất là những người không kiểm soát tốt bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, đột quỵ (cả nhồi máu não và xuất huyết não) đang gia tăng ở người trẻ.
Không ít trường hợp tử vong hoặc phải sống cả đời trong cảnh tàn phế sau cơn đột quỵ, dù tuổi đời còn rất trẻ. Chính vì vậy, người trẻ tuổi dù đang cảm thấy bản thân khỏe mạnh cũng không nên chủ quan bởi vì đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai và khi ấy, hệ lụy sẽ rất khó lường.
Nhiều người cũng lầm tưởng rằng, chỉ những người thừa cân, béo phì mới phải lo lắng về đột quỵ. Tuy nhiên, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… là những bệnh lý nền có liên quan mật thiết với đột quỵ và những bệnh này hoàn toàn có thể xảy ra ở những người có cân nặng bình thường hoặc gầy.
Do đó, nếu đang mắc các bệnh lý như bệnh tim mạch, đái tháo đường… thì cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh. Bên cạnh đó, cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát đột quỵ, nhất là với những người có nguy cơ cao.
Để phòng ngừa “sát thủ” đột quỵ, mỗi người cần xây dựng lối sống tích cực: hạn chế bia rượu; không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích; tuân thủ chế độ ăn uống điều độ, nên tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ; tập luyện thể dục hàng ngày; tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài…
Ngoài ra, một hiểu lầm thường gặp khác về đột quỵ là các cơn đột quỵ hoàn toàn không hề có dấu hiệu báo trước. Trong rất nhiều trường hợp, người bệnh xuất hiện cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), sau đó trong vòng 48 giờ hoặc sau vài tháng khởi phát cơn đột quỵ.
TIA có thể xảy ra do nghẽn tắc nhánh động mạch não (nguyên nhân hàng đầu do vữa xơ động mạch) hoặc do giảm lưu lượng tưới máu toàn thể hay cục bộ (“thủ phạm” là hạ huyết áp thế đứng; các nguyên nhân gây chít hẹp hệ động mạch cảnh hoặc động mạch sống - nền; loạn nhịp tim; tăng độ nhớt của máu…).
Các triệu chứng khởi phát đột ngột (yếu nửa người hoặc yếu chi, rối loạn cảm giác nửa người, mất thị lực hoặc bán manh…), kéo dài khoảng từ 2-20 phút và tự hết nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua. Trong khi đó, nếu người bệnh đi khám ngay sau khi xuất hiện TIA và chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh thì sẽ giảm nguy cơ khởi phát cơn đột quỵ.
“Thời gian vàng” - yếu tố quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ
Theo Trần Thị Mai Uyên, các cơn đột quỵ diễn tiến rất nhanh, việc cấp cứu sớm tại cơ sở y tế có chức năng tiếp nhận và điều trị đột quỵ trong “thời gian vàng” (trong vòng 3 đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên) có ý nghĩa rất quan trọng đối với bệnh nhân, giúp giảm tỷ lệ tử vong và gia tăng cơ hội hồi phục. Càng cấp cứu chậm, tỷ lệ tử vong và tàn tật càng cao.
Bệnh viện Gia An 115 từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân khởi phát cơn đột quỵ với dấu hiệu đột ngột méo miệng, mất ý thức, tiêu tiểu không tự chủ, mắt sụp khi đang phơi quần áo.
Người nhà ngay lập tức gọi cấp cứu, thời gian từ lúc bệnh nhân xuất hiện triệu chứng méo miệng đến khi tới Bệnh viện Gia An 115 là khoảng 30 phút. Nhờ được cấp cứu sớm, người bệnh đã được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và đã khôi phục hoàn toàn các chức năng cơ thể.
Trong trường hợp không biết rõ thời điểm khởi phát triệu chứng đột quỵ hoặc đã qua “thời gian vàng”, người nhà vẫn cần liên hệ cấp cứu ngay lập tức tại bệnh viện có chức năng điều trị đột quỵ. Hiện nay, với sự trợ giúp của phần mềm RAPID ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ, có thể mở rộng cửa sổ cứu não lên đến 24 giờ. Đột quỵ não vẫn đang là một vấn đề thời sự cấp thiết khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, tỷ lệ tử vong cao.
Những người bệnh thoát khỏi tử vong cũng thường phải chịu các di chứng nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần, nhiều người mất khả năng lao động và cần có người chăm sóc thường xuyên… Do đó, việc phòng tránh đột quỵ và cấp cứu sớm khi xảy ra cơn đột quỵ có ý nghĩa rất quan trọng.
“Các dấu hiệu của đột quỵ não bao gồm: đột ngột tê cứng mặt, méo mặt tay; tê yếu hoặc khó cử động tay chân, một bên cơ thể; khó phát âm, nói không rõ chữ, nói ngọng bất thường; đột ngột choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác; thị lực bỗng nhiên giảm, mắt mờ, không nhìn rõ; đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân có thể gây buồn nôn hoặc nôn...”, bác sĩ Trần Thị Mai Uyên khuyến cáo.