SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH TRONG THỜI ĐẠI SỐ
Đọc sách, đi hội sách, mua sách là nhu cầu tự thân, sao phải huy động? Có phải vì đọc sách và văn hóa đọc - nếu có - sắp lụi tàn, hay vì sinh viên học sinh là đối tượng lớn và chủ yếu của sách lại lười đọc nên cần được dắt tay, “ném” vào hội sách cho có phong trào, thành tích?
Đi lên hay đi xuống?
Đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo về đề tài này, có người khẳng định bi quan “nó - văn hóa đọc - đang thụt lùi, đi xuống”, cũng không ít người lạc quan “nó có nhích lên” và cũng có người cho rằng “nó đứng yên”! Quả thật có hiện tượng làm việc nhiều, sống gấp, thiếu cả thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, nói chi đến khoảng lặng xa xỉ dành cho sách. Người có thời gian hơn một chút thì chọn các món “fast-food” như xem phim, ca nhạc... chứ hiếm khi cầm đến quyển sách. Nhưng nếu cứ thế khẳng định người trẻ, người Việt không đọc sách hay “văn hóa đọc đi xuống” thì rõ ràng chưa khách quan.
Tọa đàm “Người trẻ viết gì, giới trẻ đọc gì? Có phải văn hóa đọc đang xuống cấp?” tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM
Văn hóa đọc thực sự là một câu chuyện dài, bởi nó có diện mạo ra sao mà “đi lên” hay “đi xuống”? Vì sao nhiều người vẫn cao đạo, than trách nhằm vào giới trẻ rằng văn hóa đọc ngày càng xuống cấp trầm trọng. Văn hóa đọc có lên ngôi bao giờ mà xuống thấp, có đỉnh cao chăng sao lại có thoái trào? Và văn hóa đọc hay “đọc văn hóa” phải chăng chỉ là mua sách, tay ôm quyển sách, cắm mặt vào sách nơi công cộng? Bởi vì sách trong thời đại số hiện nay rất phong phú về hình thức, cụ thể và phổ biến là sách điện tử (e-book) gọn nhẹ, có thể đọc mọi lúc mọi nơi trên tablet, smartphone... Họa sĩ Trần Kiến Quốc, Hội Mỹ thuật TPHCM, cho biết từ ngày có iPad anh không còn mất công đi lựa sách và tốn tiền mua sách nữa. “Sách tải miễn phí trên mạng rất nhiều, từ kinh điển đến hiện tại, từ Đông sang Tây đủ cả. Dĩ nhiên trừ những quyển mới in và quá “hot”, nhưng mình cứ đọc quyển khác và chịu khó chờ rồi cũng sẽ có”.
Một khía cạnh khác, theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, số lượng đầu sách in ấn, phát hành trên cả nước vẫn “năm sau cao hơn năm trước”, và một điều không biết có nên “tự hào”: tuy là nước nghèo, nhỏ, nhưng số lượng nhà xuất bản ở ta cao ngất ngưởng: 64 nhà xuất bản khắp cả nước, chưa kể vô số đơn vị làm sách tư nhân, sách liên kết... Điều này cho thấy người dân dù có đọc thực sự hay không, đọc bằng cách nào, phương tiện gì thì rõ ràng họ vẫn mua sách và mua ngày càng nhiều, bất chấp các phương tiện truyền thông hiện đại, mạnh mẽ khác như truyền hình, Internet... với vô số trò giải trí như game show, phim ảnh, âm nhạc...
Hội chợ sách - vẫn nhộn nhịp kẻ bán người mua
Thế nhưng, điều đáng nói là các hội sách, đường sách, chợ sách vẫn cứ nhộn nhịp. Và văn hóa đọc - nếu có - thiển nghĩ chỉ là cách đối xử với sách, hay việc chơi sách, đọc sách giữa các cá nhân, vùng miền. Người Nam bộ nói chung, người Sài Gòn nói riêng vẫn được xem là sống nhanh, chỉ nhạy bén trong chuyện làm ăn và... hời hợt; thế nhưng một trong các kiểu sống chậm là nghiền ngẫm sách. Lý giải sao đây khi cả chục triệu bản sách được bán hết tại mỗi hội sách lớn nhỏ ở TPHCM? Dĩ nhiên trừ một số bạn trẻ đến tham quan, mua thứ khác, đa phần vẫn tìm mua sách. Hội sách thường niên diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám được biết có ngày lên đến 150.000 lượt người, và bất chấp kinh tế khó khăn, năm 2014, chỉ trong vòng 7 ngày, hội sách tại đây đã bán được 38 tỷ đồng.
Đọc sách cho ngày mai
Giáo sư Phan Văn Trường, cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, tác giả quyển sách kinh tế thuộc hàng best-seller của NXB Trẻ thời gian gần đây, Một đời thương thuyết, cho biết: “Thực tế những người bận rộn, thiếu thời gian lại là những người cần và tìm đến sách nhiều hơn cả”. Có lẽ đó cũng là lời giải đáp cho hiện tượng người người đổ xô đi hội sách và khuân sách về nhà. Và khi không có hội sách thì các nhà sách, cà phê sách... vẫn là lựa chọn, là điểm đến của đông đảo người Sài Gòn vào các buổi tối hay dịp cuối tuần. “Sách mắc quá sinh viên tỉnh lẻ, phải trọ học như tụi em không có cửa đâu”, Tiểu Vũ, Thu Diễm, Ngọc Tân, Kiến Nghiệp, sinh viên khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết. “Nên các nhà sách như Phương Nam Books, Bách Khoa Books, Cá Chép, Huy Hoàng... là lựa chọn của tụi em những lúc rảnh rỗi. Vào đây vừa cà phê thư giãn với bạn bè vừa đọc ké nhiều đầu sách mới cũ”, Tiểu Vũ cho biết.
Cũng không thể máy móc so sánh hình ảnh người nước ngoài đọc sách bất kỳ đâu như nhà ga, sân bay... để nói rằng người Việt chỉ thích chém gió chứ không mê sách, bởi đó chỉ là thói quen và sự khác biệt về lối sống, văn hóa. Vấn đề còn lại là cho dù ở thư viện, ở cà phê sách, nhà sách... tuy có nhiều đầu sách nhưng những người trẻ lại chỉ đọc cái mình thấy, mình cần và vì thế dễ đọc theo phong trào, theo quảng cáo, truyền thông, dễ rơi vào bẫy của các loại sách truyện nhảm nhí, sách “mì ăn liền”, thậm chí độc hại. Và điều này là lỗi của người lớn và cả “lỗi hệ thống”: thiếu vắng những người, những bộ phận thẩm định sách khách quan, nghiêm túc để giới thiệu tới độc giả, nhất là độc giả trẻ những đầu sách thực sự có giá trị. Với tất cả những yếu tố kể trên thì việc đọc hay văn hóa đọc chưa bị ngộ độc đã là may. Chính vì thế, có thể nói người Việt, người trẻ Việt chắc chắn không quay lưng với văn hóa đọc, nhưng “sách có văn hóa” để đọc và môi trường đọc văn hóa mới chính là điều cần được xem lại.
Thay lời kết: “Tôi rất ngạc nhiên mỗi lần đến nhà bạn bè có chức quyền, hoặc đơn giản bạn thử đến nhà hoặc nơi làm việc của các quan chức, bạn sẽ thấy họ không thiếu thứ gì, trừ sách”, Giám đốc Công ty Sách Phan Thị, bà Phan Thị Mỹ Hạnh nói. Vậy những người đang làm việc, đang nghiên cứu, đang phục vụ dân, những người có quyền... thì không cần sách, chỉ sinh viên, học sinh và người dân mới cần?*
Song Phạm
_____________________________________
Thư viện vắng như chùa Bà Đanh
Chúng tôi tới Thư viện Khoa học Tổng hợp, một trong những thư viện lớn và có nguồn sách phong phú nhất TPHCM để tìm hiểu vấn đề đọc sách của giới trẻ hiện nay. Theo chị T.T., nhân viên thư viện, hàng ngày có khoảng 500 bạn đọc tới thư viện để đọc và mượn sách. Đây là con số quá nhỏ so với hàng chục ngàn sinh viên của các trường đại học trên địa bàn TPHCM, chưa kể lượng cán bộ, giáo viên, nghiên cứu sinh thì quả đây là điều rất đáng suy nghĩ. Cũng theo chị T.T., Thư viện Tổng hợp vẫn xảy ra tình trạng quá tải nhưng chỉ trong thời gian trước đây, còn hiện tại thì không xảy ra. Thư viện chỉ đông hơn vào mùa thi, hoặc vào thứ ba hàng tuần.
Bạn Hoàng Anh, sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, TPHCM, một trong những bạn trẻ có mặt ở Thư viện Tổng hợp, cho biết: “Mỗi tuần mình đến đây khoảng 3 ngày và chủ yếu đọc những sách về tâm lý, kinh tế còn những sách chuyên ngành thì mình đọc tại trường. Theo mình thấy, lượng bạn đọc ở đây không nhiều, chưa bao giờ có hiện tượng quá tải”.
Bạn Lại Hoàng Minh Luân, sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: “Khi rảnh mình tới đây nhưng chủ yếu là đọc truyện hoặc học bài. Ở nhà mình cũng hay đọc sách, nhưng chủ yếu là sách chuyên ngành và tiếng Anh. Ở đây không gian khá yên tĩnh nhưng mình thấy bạn đọc không đông lắm”.
Thư viện Khoa học Xã hội cũng là một trong những thư viện lâu năm và hàng đầu ở TPHCM những năm 1980, nhưng hiện tại cũng trong tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh”. Ông Trần Minh Đức, cán bộ làm việc tại thư viện từ năm 1980, cho biết: “Do đặc thù của thư viện là cung cấp sách về chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa nên lượng bạn đọc đến không nhiều, chủ yếu là cán bộ khoa học đến nghiên cứu, cùng các học viên cao học…”. Ông Đức cho biết thêm, lượng bạn đọc trung bình hàng ngày của thư viện chỉ khoảng 40 người. Trước năm 1990, mạng lưới thư viện chưa phát triển, Thư viện Khoa học Xã hội luôn trong tình trạng quá tải nhưng sau đó thì lượng độc giả giảm dần.
MAI THANH ĐẠT