Ra rạp còn xa
Với những cái tên như Incredibles 2 - câu chuyện về gia đình siêu nhân; Frozen, Kung Fu Panda, Coco… hàng năm, phim hoạt hình luôn có mặt trong tốp 10 phim đạt doanh thu cao nhất tại Việt Nam. Điều này cho thấy rất nhiều khán giả yêu thích và sẵn sàng bỏ tiền đến rạp xem phim hoạt hình có chất lượng. Song buồn thay, phim hoạt hình vẫn chỉ là “sân chơi” độc quyền của phim ngoại, còn phim hoạt hình Việt không chỉ ít về số lượng mà phim đủ tiêu chí ra rạp cũng rất hiếm, phần lớn vẫn là phim chiếu miễn phí.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, chia sẻ, mỗi năm hãng phim sản xuất từ 16 - 17 chỉ tiêu phim, nhưng chủ yếu vẫn do Nhà nước đặt hàng. Mục tiêu phim hoạt hình ra được rạp vẫn là ước mơ xa vời. Lãnh đạo hãng phim này cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là mong muốn thay đổi quy trình, công nghệ làm phim, nâng cao chất lượng phim nhưng máy móc thiết bị được đầu tư đã lâu, lạc hậu. Bên cạnh đó, kinh phí đặt hàng 3, 4 năm gần đây bị ngừng trệ, nguyên nhân chính là do Luật Điện ảnh (phần đấu thầu đặt hàng các sản phẩm phục vụ chính trị) chưa phù hợp nên không thể thực hiện, dẫn đến việc đặt hàng sản xuất các sản phẩm điện ảnh, trong đó có phim hoạt hình phải thực hiện theo cơ chế riêng.
Khắc phục những khó khăn, hãng phim phải nỗ lực bằng nhiều cách để có nguồn tài chính duy trì sản xuất phim, nhờ đó một số phim ra đời với tư duy đổi mới như: Đôi cánh thiên thần, Người anh hùng áo vải, Hành trình của Bi… Song các phim vẫn chưa đủ sức ra rạp độc lập, phần lớn phát sóng miễn phí trên truyền hình hoặc trên hệ thống YouTube…
Năm 2018, việc ra mắt 4 tập phim hoạt hình của một hãng phim hoạt hình tư nhân được coi là cột mốc quan trọng khiến nhiều người yêu và quan tâm tới thể loại phim này cảm thấy hân hoan. NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, hiện nay, lượng phim hoạt hình nhà nước sản xuất để phục vụ nhu cầu của khán giả nhí còn quá ít, chưa tới được với rộng rãi trẻ em. Vì lẽ đó, khi có một đơn vị tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, chịu bỏ một số tiền không nhỏ để sản xuất phim là điều đáng hoan nghênh. “Bây giờ mỗi năm nhà nước chỉ đầu tư sản xuất khoảng 10 phim hoạt hình ngắn, còn lại kêu gọi xã hội hóa. Không mấy ai dám nhảy vào sản xuất phim hoạt hình bởi doanh thu là vấn đề khá đau đầu”, NSND Đặng Nhật Minh bày tỏ.
Sự kiện công chiếu bộ phim hoạt hình tư nhân đầu tiên của Việt Nam là một bước tiến không hề nhỏ trong việc hiện thực hóa giấc mơ đem phim hoạt hình Việt ra rạp. Sau cuộc ra mắt đình đám ấy, một vài nhóm làm phim hoạt hình độc lập cũng nỗ lực để có sản phẩm riêng nhưng một phần do thế và lực chưa đủ mạnh, phần nữa đường ra rạp không có, vì thế việc sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp vẫn còn là giấc mơ.
Có tiềm lực nhưng...
Năm 2018, Monta trong dải ngân hà kỳ cục là bộ phim Việt Nam đầu tiên được chiếu rạp. Tiếc là sau đó chưa có thêm phim nào đủ tự tin ra rạp. Dù số lượng các công ty tư nhân sản xuất phim hoạt hình chưa nhiều, song cũng đã từng bước góp phần tạo nên diện mạo trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình.
Được biết, ngoài những công ty tư nhân, hiện đang xuất hiện nhiều nhóm yêu thích phim hoạt hình tự đầu tư sản xuất những bộ phim ngắn và cùng chia sẻ kinh nghiệm làm phim hoạt hình, như: Colory Animation, Bamboo Animation, Smile - AD hay Đoàn Gia Film, DeeDee Animation Studio… Phim của những công ty này được phát trên internet và thu hút được nhiều lượt xem, đã góp phần mang lại cho khán giả những món ăn tinh thần thú vị với sự đa dạng trong đề tài, sự linh hoạt trong áp dụng công nghệ. Song theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây vẫn chỉ là sự phát triển mang tính tự phát. Dòng phim chủ đạo chỉ dừng lại ở thời lượng trên dưới 10 phút, chiếu ở các rạp nhỏ cho các em nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi hoặc dịp hè.
Hoạt hình đòi hỏi đầu tư lớn, đường đến với khán giả thì chông chênh, đường đến với các giải thưởng điện ảnh trong nước (mang tính động viên, khích lệ người làm nghề) gần như không có. Nhóm DeeDee Animation Studio vừa nhận được email thông báo từ Liên hoan phim KHEM Animation Film Fest (Mỹ) về series phim hoạt hình Tàn Thể - tiền truyện của hãng đạt giải nhất thể loại Phim hoạt hình 2D hay nhất. Với giải thưởng này, Tàn Thể - tiền truyện sẽ được công chiếu rộng rãi tại Mỹ trên một số kênh truyền hình như HallMills Network Channel, Roku TV và BlackScifi TV. Thế nhưng, đường đến các giải thưởng trong nước như Cánh diều (của Hội Điện ảnh Việt Nam), Bông sen (của Liên hoan phim Việt Nam) lại rất hẹp.
Trên thực tế, nhiều tác phẩm hoạt hình quen thuộc của nước ngoài như Mickey, Igor, Chiến tranh giữa các vì sao… đều có sự góp mặt của người Việt trong đội ngũ họa sĩ, thiết kế đồ họa, kỹ thuật âm thanh. Một số hãng phim hoạt hình nổi tiếng thế giới có đơn vị sản xuất đặt tại TPHCM và Hà Nội. Điều đó chứng tỏ nguồn nhân lực của ta được đánh giá tốt. Song như một chuyên gia phim hoạt hình của Hàn Quốc từng chia sẻ: “Việt Nam sở hữu nhiều nhân lực trí tuệ, đặc biệt các bạn có khả năng sáng tạo cũng như tham gia vào sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo rất lớn. Nếu chú trọng vào ngành công nghiệp sáng tạo, Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sáng”. Song, như một họa sĩ có hơn 40 năm lăn lộn với hoạt hình tâm sự, khi mà hoạt hình vẫn bị khu biệt là loại phim dành cho trẻ em, mang đậm tính giáo dục, tính định hướng thì có lẽ còn lâu mới hình thành được ngành công nghiệp phim hoạt hình.