Thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc trong suốt chiều dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951): “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Đồng thời, thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chống thực dân, phong kiến, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, trong đó xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, với lực lượng cách mạng là sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đây là cuộc cách mạng kết thúc thắng lợi quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do, đầy hy sinh gian khổ của dân tộc Việt Nam chống xâm lược và ách thống trị của chủ nghĩa tư bản Pháp và phát xít Nhật.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trút bỏ ách nô lệ và đưa nhân dân Việt Nam lên vị trí của người làm chủ đất nước, giải phóng và nâng cao năng lực, ý chí của họ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cứu nòi giống Việt Nam khỏi hiểm họa suy kiệt, tàn lụi và sự tước đoạt đến xương tủy và chính sách đầu độc, ngu dân kết hợp với hành động đàn áp, khủng bố man rợ của thực dân, phát xít Pháp, Nhật.
Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo nên sức bật mạnh mẽ cho dân tộc Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn chồng chất và thử thách nghiêm trọng trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng chế độ mới, ghi tiếp nhiều chiến công to lớn và thành tựu quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển của dân tộc.
Có thể khẳng định, lý luận và phương pháp cách mạng giải phóng dân tộc mang đậm những giá trị độc lập tự chủ và sáng tạo trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là di sản vô cùng quý giá, vô cùng hữu ích cho Đảng và nhân dân ta thực hiện những chiến lược mới, mục tiêu mới trên con đường cách mạng đã lựa chọn.
Thắng lợi của cuộc cách mạng này đã đưa Đảng ta, người lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành chính quyền thành Đảng cầm quyền, thực hiện vai trò lãnh đạo nhân dân xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tạo lập Nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân, thực hiện các quyền tự do, dân chủ của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục; bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các dân tộc.
Cũng qua cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có thể thấy đã xác lập và nâng cao vị trí quốc tế của dân tộc Việt Nam trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong, thúc đẩy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội.
Cho đến năm 1945, lịch sử thế giới đã tôn vinh các cuộc cách mạng đánh dấu những bước ngoặt của tiến bộ xã hội và văn minh như cách mạng Anh (thế kỷ XVII), cách mạng Mỹ (thế kỷ XVIII) và cách mạng Pháp (thế kỷ XVIII) mở ra thời đại tư bản chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước nối tiếp của các cuộc cách mạng vĩ đại đó và mang nhiều nét độc đáo, sáng tạo của một dân tộc thuộc địa trong điều kiện thuận lợi do thắng lợi của phe “Đồng minh” chống phát xít đưa lại, đã vùng dậy giành độc lập dân tộc, tự giải phóng khỏi gông cùm nô lệ của chế độ thực dân, sánh vai cùng các dân tộc tiên tiến, phấn đấu cho những giá trị cao đẹp của nhân loại là tự do, độc lập, hòa bình, hữu nghị và phát triển. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã cổ vũ nhân dân các dân tộc bị áp bức đấu tranh tự giải phóng, giành độc lập, tự do.
Đến giữa thế kỷ XX, khi dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc phát triển mang sức sống của thời đại mới, các dân tộc được chứng kiến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đập tan ách thống trị của chế độ thực dân và chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam độc lập, dân chủ, cộng hòa. Sự kiện đó đã nêu gương, khích lệ, cổ vũ các dân tộc thuộc địa tự tin ở sức mạnh của mình trong cuộc đấu tranh tự giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ, mà hiện thực của phong trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ 2 là minh chứng sống động.
Tôi cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn khẳng định, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước phong kiến và nửa thuộc địa lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
Vẹn nguyên bài học
Năm tháng qua đi, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại cho chúng ta những bài học lịch sử quý báu: Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xác định và kết hợp đúng đắn các nhiệm vụ chiến lược trong từng thời kỳ cách mạng; về phát động sức mạnh toàn dân tộc, lấy sức mạnh của đội quân chủ lực công - nông làm nòng cốt; thực hiện triệt để phương châm “thêm bạn, bớt thù”; về nghệ thuật khởi nghĩa; về xây dựng một Đảng Mác - Lênin có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ sáng suốt, thường xuyên vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân, có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đặc biệt, tôi cho rằng, bài học về nghệ thuật chớp thời cơ giành chính quyền cách mạng của Đảng giữ vai trò quan trọng, đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hôm nay. Bởi thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ ra rằng, có thời cơ mà không biết chớp thời cơ để nó trôi qua sẽ không đưa cách mạng đến thành công; mặt khác, thời cơ đến nhưng nếu không huy động được nội lực thì cũng không giành được thắng lợi.
Chính vì thế, đòi hỏi đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta lúc này cần phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân tộc, tranh thủ thời cơ hội nhập và phát triển, đẩy lùi những nguy cơ, thử thách có thể bị thua ngay trên sân nhà, đưa đất nước ngày càng phát triển, vững bước đi lên.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang tạo thêm sức mạnh mới cho dân tộc, tạo mọi điều kiện thông thoáng về chính sách vĩ mô cũng như điều hành kinh tế nhằm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh, kích cầu sản xuất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Đây là những chủ trương đúng đắn bắt nguồn từ bài học “chớp thời cơ” từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945.