Với một tinh thần làm việc năng động, xông xáo, một cá tính mạnh mẽ và quyết đoán, trong 3 năm làm việc tại TPHCM, đích thân bà Karen Lanyon đã nhiều lần về các địa phương của Việt Nam, trong đó có đến 5 lần xuống tỉnh Kiên Giang, để tiếp cận các cộng đồng kém may mắn xây dựng những dự án cung cấp nước sạch, quản lý và sử dụng nước hiệu quả, tổ chức tập huấn về kỹ năng đào tạo nghề cho phụ nữ...
Chính bà là người thúc đẩy Chương trình viện trợ quy mô nhỏ - DAP (Direct Aid Program) - để chính phủ Australia hướng đến các dự án không thể tiếp cận các chương trình viện trợ quy mô lớn. Mục tiêu của DAP là giải quyết những khó khăn mang tính nhân đạo, qua đó mỗi dự án (thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chăm sóc sức khỏe cộng đồng đến xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và vệ sinh nguồn nước) được viện trợ trị giá tối đa 20.000 AUD. Tổng viện trợ của chương trình DAP cho những cộng đồng kém may mắn tại các tỉnh thành miền Trung và Nam Việt Nam trong năm 2017 - 2018 là hơn 4 tỷ đồng. “Trong suy nghĩ của tôi, chương trình DAP của Chính phủ Australia thật đặc biệt vì tất cả mọi cộng đồng cần nguồn vốn tài trợ nhỏ đều có thể tiếp cận. Điều này đã tạo ra sự khác biệt”, bà Karen Lanyon chia sẻ.
Mới đây, sự kiện “Hội nghị phụ nữ Việt Nam 2018” với thông điệp “Thế giới không thể thay đổi nếu vị thế phụ nữ không thay đổi” đã được tổ chức thành công tại TPHCM. Đây là sự kiện cuối cùng trong nhiệm kỳ tại Việt Nam mà bà Karen Lanyon tặng phụ nữ Việt Nam. Hội nghị là một trong những thành tựu mà bà xem là đáng tự hào nhất trong công cuộc khuyến khích bình đẳng giới, nâng cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ ở các nền kinh tế đang phát triển thông qua việc thúc đẩy cơ hội cho phụ nữ trong giáo dục và kinh doanh, đồng thời trang bị kiến thức bảo vệ sức khoẻ, đặc biệt là phương pháp phòng chống và phát hiện căn bệnh ung thư vú.
Bản thân bà đã nghị lực chống chọi với căn bệnh ung thư vú trong hơn 10 năm qua. Bà muốn truyền đi thông điệp: ung thư không phải là án tử. Giáo dục và phòng ngừa có thể cứu mạng sống. Bà Lanyon cho biết, không chỉ ở những nước đang phát triển, ngay cả ở Australia, các vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ, trẻ em gái thường là những chủ đề mà mọi người không muốn thảo luận công khai. Vì vậy, nếu “chúng ta không bắt đầu các cuộc hội thoại mang tầm quốc gia và chiến dịch giáo dục quốc gia, chúng ta sẽ không thể đem đến sự thay đổi”. Bà muốn đem đến cho phụ nữ trẻ và trẻ em gái các kỹ năng và công cụ thực tiễn để họ làm tốt nhất trong sự nghiệp và cuộc sống. Bà làm tất cả với hy vọng sẽ đem lại sự thay đổi vì bà tin rằng khi một người có đặc quyền được ở một vị trí như bà mà không thể bắt đầu những buổi hội thoại này với công chúng thì bà cảm thấy rất có lỗi.
Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài phía trước, trước khi chia tay, bà cảm nhận mọi thứ đã phát triển một cách tích cực. Bà cũng hy vọng Chính phủ Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ những thay đổi này thông qua các chương trình như Đầu tư vào Phụ nữ, cũng như các chương trình giới tính khác trên khắp Việt Nam.