Những dự án ngàn tỷ "đắp chiếu" - Bài 5: Đừng để “lãng phí” niềm tin của nhân dân

Sau loạt bài Những dự án ngàn tỷ “đắp chiếu” đăng trên Báo SGGP từ ngày 2 đến 5-12, các đại biểu Quốc hội đã “soi chiếu” nhiều góc nhìn khá tường minh về tình trạng lãng phí của công, nguồn lực xã hội hết sức nghiêm trọng này.

Bà MAI THỊ PHƯƠNG HOA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Thực hiện nghiêm chế tài xử lý lãng phí

Mai Thị Phương Hoa.jpg

Chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở. Thế nên, dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao.

Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển. Tôi quan tâm đến vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền. Thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy trong công việc sẽ gây lãng phí cơ hội phát triển của địa phương và đất nước.

Bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ ngành mình và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, không tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án đã đem lại hiệu quả không mong muốn.

Nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua, đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.

Ông TRỊNH XUÂN AN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Phải xử lý những dự án trong danh mục Quốc hội đã chỉ ra

Trịnh Xuân An.jpg

Tại Nghị quyết 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không/chậm đưa đất vào sử dụng.

Chúng ta đã hình thành một danh mục cụ thể, đây là cơ sở hết sức quan trọng trước khi chúng ta hình thành nên một văn hóa chống lãng phí trong người dân, trong doanh nghiệp. Do đó, cần phải xử lý những dự án trong danh mục đã được Quốc hội chỉ ra để vừa cảnh tỉnh vừa làm gương, cũng vừa cắt đi những phần lãng phí tồn tại lâu nay.

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Ban hành cơ chế đặc thù cho một số dự án

Nguyễn Hữu Thông.jpg

Chúng ta đều thấy sự lãng phí về nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước trong các dự án “trùm mền”, công trình “đắp chiếu” hiện nay trên phạm vi cả nước. Đến nay chúng ta chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ về sự lãng phí trên, nhưng con số này không dưới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đó cũng mới là con số về mặt tài chính, còn những lãng phí hệ lụy xoay quanh nó như lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước… thì không đo đếm hết và trước hết đó là “lãng phí” niềm tin của nhân dân.

Đơn cử như các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; hàng ngàn, hàng trăm ngàn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hoặc xây dựng dở dang, trơ gan cùng tuế nguyệt; các công trình, dự án xây dựng hàng chục năm nhưng vẫn chưa xong.

Dù là nguyên nhân xuất phát từ nhà đầu tư, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước thì đây đều là của cải, là nguồn lực của xã hội, của đất nước, phải được giải quyết càng sớm càng tốt.

Việc Quốc hội, Chính phủ xem xét, đưa ra cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống, phải xem là đồng hành, là kiến tạo cho sự phát triển của đất nước chứ không phải hợp thức hóa các sai phạm. Có thể ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể để đánh giá và nhân rộng, phát huy nguồn lực phát triển của đất nước.

Bà ĐẶNG BÍCH NGỌC, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Đặng Bích Ngọc.jpg

Chúng ta đều đã thấy rõ các công trình, dự án bỏ hoang, không sử dụng được; lãng phí trong đầu tư công điển hình như dự án của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, cơ sở Hà Nam được Nhà nước đầu tư hàng chục năm qua vẫn chưa đưa vào sử dụng…

Điều quan trọng đầu tiên là Quốc hội, Chính phủ nên tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, giải pháp khắc phục điểm nghẽn thể chế đã được nêu ra. Có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương, tổ chức thực hiện với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”.

Ông NGUYỄN THÀNH NAM, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: Đừng để “đất khóc, người than”

Nguyễn Thành Nam.jpg

Hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vẫn chưa theo kịp nhu cầu, tiềm năng và cơ hội của đời sống kinh tế - xã hội, đặt ra vấn đề lớn trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó có sự chuyển biến chậm ở một số ngành, lĩnh vực trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp; sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất, tài sản công của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn các địa phương.

Đấu tranh phòng chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, đất đã thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng.

Đáng buồn là việc để “đất khóc, người than” có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lùng nhùng, vướng mắc trong việc phân định phạm vi, trình tự giữa việc sắp xếp, xử lý tài sản công với việc thu hồi đất. Các bộ, ngành nên tiếp tục xem xét giải quyết chuyển giao các cơ sở nhà đất do mình quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng về các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vị trí đã hoang hóa hàng chục năm.

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam: Đấu giá, đấu thầu lại các dự án tồn đọng

Nguyễn Quang Huân.jpg

Với các dự án tồn đọng hiện nay, rất cần một nghị quyết của Quốc hội để xử lý. Chúng ta không hợp thức hóa các sai phạm, nhưng những gì tồn đọng, vướng mắc cần có cơ chế để xử lý. Chúng ta phải có cơ chế để tháo gỡ, có thể cho đấu giá, đấu thầu lại với các dự án tồn đọng, không thể để “nằm chết” mãi được. Có những dự án tồn đọng lâu ngày, dân không có nhà ở, đất lại bỏ hoang, nên bà con khiếu kiện mãi, có người khiếu kiện đến 20 năm, nhưng chưa được xử lý.

Do vậy, mỗi bộ ngành, mỗi địa phương nên có những đề xuất để cấp có thẩm quyền xem xét, không nói chung chung vì mỗi dự án có một đặc thù riêng. Cơ quan chủ quản, chủ đầu tư nên chủ động đề xuất giải pháp cụ thể cho từng dự án.

Ông VŨ TRỌNG KIM, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Báo cáo việc thực hiện những kiến nghị mà Quốc hội đã nêu tại Nghị quyết 74

Quốc hội đã giám sát và có Nghị quyết 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiến nghị rất cụ thể, chỉ rất rõ danh mục dự án không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đến nay, sau 2 năm, rất cần kiểm đếm lại đã làm được những gì, không nên để vấn đề quan trọng này trôi qua.

Hậu giám sát là rất quan trọng. Phải có báo cáo việc thực hiện những kiến nghị mà Quốc hội đã nêu ra tại Nghị quyết 74. Chỉ có như thế, chúng ta mới rốt ráo xử lý hàng trăm dự án đang bị tồn đọng, kéo dài, gây lãng phí rất lớn.

Tin cùng chuyên mục