Những dự án ngàn tỷ "đắp chiếu" - Bài 3: Gần 10 năm chưa xong 2,7km đường

Tiếp tục “con đường cái quan” tiến về miền Nam, chúng tôi ngậm ngùi trước nhiều công trình hạ tầng lớn, có thể góp phần làm thay đổi diện mạo mạng lưới giao thông đầu tàu kinh tế phía Nam, đang “thoi thóp” trong cỏ dại. Dẫu biết rằng khi thực hiện các dự án, công trình lớn chưa bao giờ là đơn giản.

Nhưng việc bỏ cả “núi” tiền ra khởi công rầm rộ rồi để các hạng mục dở dang “phơi mình” trong nắng mưa là khó chấp nhận được dưới mọi sự lý giải. Chưa kể thời gian thực hiện dự án kéo dài gây bao hệ lụy cho người dân, phát sinh lãi vay, lãng phí thời gian của xã hội.

Vừa động thổ đã… mất hồ sơ

Dự án đường Võ Văn Kiệt nối vào tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, từng được kỳ vọng rất cao về việc “chia lửa” cho quốc lộ 1 ở cửa ngõ phía Tây TPHCM và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông ở khu vực phía Tây - Nam TPHCM. Tuy nhiên, tháng 10-2015, dự án được khởi công; triển khai chừng 12% tổng mức đầu tư đã “chết yểu” từ năm 2019 đến nay.

D1h.jpg
Trụ bê tông nằm ngổn ngang tại khu vực đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: QUỐC HÙNG

Ghi nhận tại hiện trường công trình giáp với đại lộ Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 chỉ mới xong một nhánh đường hình vòng cung rồi bỏ hoang suốt nhiều năm qua. Hiện cỏ dại mọc um tùm phủ kín nhiều hạng mục thi công dang dở. Khu vực nối đường Võ Văn Kiệt với điểm đầu dự án còn nhiều mặt bằng chưa được giải tỏa. Điểm giữa dự án đoạn gần đường Nguyễn Cửu Phú, huyện Bình Chánh đã biến thành bãi rác to đùng! Do không thi công, không có biện pháp bảo vệ nên các trụ dẫn đã xuống cấp, sắt, thép bị hoen gỉ vì phơi mình trong nắng mưa.

Sau 3 năm thi công, hiện tổng sản lượng xây lắp của dự án mới đạt 140 tỷ đồng (tương đương 12% tổng mức đầu tư) trong khi thời gian thực hiện dự án đã kết thúc. “Dân chúng tôi mong dự án sớm triển khai trở lại, để đường sá được cải thiện, việc đi lại của người dân đỡ vất vả hơn. Thật không thể tưởng tượng được, tại sao chỉ 2,7km đường mà khởi công rồi làm gần 10 năm chưa xong?”, ông Trần Văn Tùng (ngụ đường Nguyễn Cửu Phú, huyện Bình Chánh) ngao ngán.

Dự án này do Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (nhà đầu tư) và Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TPHCM - Trung Lương (doanh nghiệp dự án) thực hiện. Dự án có chiều dài 2,7km, tổng kinh phí đầu tư 1.557 tỷ đồng.

Theo báo cáo của nhóm công tác liên ngành, Sở GTVT TPHCM đã nhiều lần chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan chủ động làm việc với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án để hướng dẫn thực hiện việc khắc phục những nội dung vi phạm thỏa thuận tại hợp đồng BOT đã ký kết. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cũng nhiều lần làm việc và có nhiều văn bản đề nghị nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án báo cáo tình hình thực hiện, pháp lý, hồ sơ đối với các khối lượng đã thực hiện.

Tuy nhiên, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nhiều lần xin gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện với lý do hồ sơ, tài liệu bị thất lạc nên các nhà thầu không thể lập hồ sơ quyết toán theo quy định. Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án cũng không đáp ứng được các yêu cầu theo thỏa thuận của hợp đồng BOT đã ký kết và quy định pháp luật; không thể cung cấp hồ sơ quyết toán khối lượng đã thực hiện của dự án đủ điều kiện thanh quyết toán hoàn thành được kiểm toán; không thể cung cấp giá trị khối lượng đã thực hiện của dự án đủ điều kiện thanh quyết toán hoàn thành...

Trước tình trạng “đắp chiếu” quá lâu của dự án nói trên, UBND TPHCM vừa có thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT đối với Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh và Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TPHCM - Trung Lương. Nguyên do, 2 đơn vị này có những vi phạm nghiêm trọng hợp đồng BOT đã ký kết. Trong đó, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án không khắc phục những nội dung vi phạm theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng BOT đã ký kết; không đáp ứng được các yêu cầu theo thỏa thuận của hợp đồng BOT đã ký; không thể cung cấp hồ sơ quyết toán khối lượng đã thực hiện...

Sau khi dừng hợp đồng BOT, TPHCM dự kiến chuyển dự án sang đầu tư công ở các hạng mục còn lại để sớm đưa công trình vào khai thác. Dự án được kỳ vọng góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên tuyến cao tốc huyết mạch nối liền TPHCM với Đồng bằng sông Cửu Long. Sở GTVT TPHCM dự kiến, đoạn tuyến nối lên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương sẽ được thi công kết nối với đường Vành đai 3 TPHCM, thay vì chỉ đến tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Cửa đóng then cài

Tuyến đường kết nối, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - quốc lộ 1, TP Thủ Đức (TPHCM) là dự án thành phần thuộc tuyến đường Vành đai 2 dài 2,7km, triển khai từ năm 2017, có vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái đầu tư, theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao). Thời gian thi công 24 tháng, kể từ khi hoàn thành bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, đến tháng 6-2020, dự án dừng thi công do vướng mặt bằng và việc thanh toán hợp đồng BT. Hiện đoạn đường dài hơn 2,7km đang “trơ gan cùng tuế nguyệt” bị phủ đầy cỏ dại. Nhiều người dân xung quanh lắc đầu ngao ngán không biết làm ăn kiểu gì mà dự án cả ngàn tỷ đồng chỉ thấy nham nhở cỏ và cây dại.

D5a.jpg
Dự án đoạn đường Vành đai 2 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1, TP Thủ Đức) ngừng thi công 4 năm nay. Ảnh: QUỐC HÙNG

Chúng tôi vất vả len lỏi qua nhiều đường mòn mới tìm đến được điểm thi công dự án trên con đường Ụ Ghe (khu phố 2, phường Tam Phú, TP Thủ Đức). Khu vực này có một nhà trạm để nhà đầu tư thi công dự án, tuy nhiên nhà trạm “cửa đóng then cài”. Bên trong, một số phương tiện như xe tải, xe múc đã chuyển màu hoen gỉ do phơi nắng, phơi mưa. Trạm trộn bê tông im lìm.

Phân đoạn dự án này khởi công từ cuối năm 2017 nhưng khi đạt khoảng 44% khối lượng công việc, đã ngưng thi công từ tháng 3-2020 đến nay. Nguyên do là khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng và các quy định về đầu tư theo hình thức BT thay đổi. Dù đã khởi công rồi tạm dừng thi công nhưng việc giải phóng mặt bằng cho dự án vẫn chưa hoàn thành. Sau hơn 4 năm dừng thi công, công trường trở nên hoang hóa, nhiều đoạn ngập nước, cây cỏ um tùm.

Theo Sở GTVT TPHCM, việc cấp bách nhất là tổ chức điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong đó xác định phương án tài chính, bổ sung chi phí bồi thường để hoàn thành việc đàm phán và điều chỉnh hợp đồng BT với nhà đầu tư. Việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư đang được Sở TN-MT xin ý kiến hướng dẫn của Bộ TN-MT.

Để tiếp tục triển khai dự án, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM giao các sở ngành có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Hiện dự án đã được điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2026. Việc chậm giải quyết các vướng mắc của dự án gây lãng phí (thời gian, phát sinh do trượt giá, không kết nối giao thông để phát triển kinh tế) và làm phát sinh lãi thực hiện dự án BT. Như vậy là mất 10 năm để làm... 2,7km đường!

Đối với dự án này, tháng 11-2016, UBND TPHCM ký hợp đồng BT (số 6827HĐ/UBND) với liên doanh nhà đầu tư gồm: Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái thực hiện đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - quốc lộ 1, TP Thủ Đức theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BT).

UBND TPHCM sẽ dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư với số vốn tương ứng hơn 2.765 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 944 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.821 tỷ đồng.

Đường Vành đai 2 TPHCM được quy hoạch từ năm 2007, dài 64km, quy mô 6-8 làn xe. Tuyến đường này bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về đường Nguyễn Văn Linh.

Tuy nhiên, sau 16 năm, toàn tuyến mới làm xong 50km. Bốn đoạn đang dang dở, gồm đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (nút giao Bình Thái) có chiều dài 3,5km; đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp (nút giao thông Bình Thái) đến đường Phạm Văn Đồng có chiều dài 2,5km; đoạn 3 dài hơn 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa; đoạn 4 dài khoảng 5,3km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh.

Tin cùng chuyên mục