Trước đó, ngày 8-6, ông Nguyễn Chiến Thắng cùng ông Lê Đức Vinh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) đã bị khởi tố, bắt tạm giam do sai phạm trong quá trình cho triển khai 2 dự án khác trên núi Chín Khúc.
“Xẻ thịt” núi Chín Khúc
Cụ thể, dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (xuất phát từ việc mở rộng khu kinh tế trang trại vào năm 2009) được cho chủ trương đầu tư với tổng diện tích hơn 513,5ha trên đất lâm nghiệp thuộc núi Chín Khúc (chủ đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa).
Hầu hết diện tích của dự án là trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, còn đất thương mại dịch vụ (để làm tượng Phật và công trình tâm linh) ban đầu chỉ 3,52ha, sau đó được điều chỉnh tăng lên 5,25ha.
Thế nhưng, trong quyết định chủ trương đầu tư do ông Nguyễn Chiến Thắng ký ngày 20-10-2015, dự án này có cả đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán hoặc bán kết hợp với cho thuê - cho thuê mua. Trong quyết định này cũng thể hiện, quy mô sử dụng đất ở lâu dài là 7.500m2 trên đỉnh núi Chín Khúc.
Mãi đến ngày 18-9-2019, ông Đào Công Thiên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, mới ký quyết định điều chỉnh 7.500m2 là đất trồng rừng sản xuất.
Ngoài dự án kể trên, tháng 6-2012, ông Nguyễn Chiến Thắng còn ký giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Khánh Hòa thực hiện thêm một dự án khác là khu biệt thự và du lịch sinh thái, cũng tại khu vực núi Chín Khúc.
Dự án gồm 2 khu: khu A có diện tích sử dụng 7,5ha và khu B có diện tích hơn 123,2ha. Khu A được xác định làm khu biệt thự để bán, còn khu B được xác định trồng rừng nhưng có diện tích đất xây dựng cơ bản gần 10ha. Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, dự án này đa số là đất rừng sản xuất, chỉ có 0,19ha là đất ngoài lâm nghiệp.
Tương tự, dự án trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái Vĩnh Trung được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận cho chủ đầu tư lập dự án vào tháng 9-2008.
Tuy nhiên, ngày 22-9-2011, ông Lê Đức Vinh khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã cho đổi tên dự án thành “Khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung”, triển khai tại tiểu khu rừng 573 núi Chín Khúc thuộc xã Vĩnh Trung (TP Nha Trang) với diện tích hơn 29ha.
Ngày 2-7-2018, ông Vinh (lúc này là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) đã ký quyết định chủ trương đầu tư dự án với tên mới là “Biệt thự sông núi Vĩnh Trung”, có mục tiêu xây dựng khu nhà ở và dịch vụ thương mại trên diện tích 19,65ha; trong đó có 6,5ha đất ở, gần 3,9ha đất dịch vụ thương mại. Như vậy, dự án này ban đầu là trồng rừng cảnh quan nhưng đã bị “phù phép” thành dự án xây dựng khu đô thị, giao đất ở trên đất trồng rừng.
Bên cạnh đó, nhiều dự án chưa có quy hoạch 1/500 và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng địa phương vẫn cho triển khai.
Giao đất “vàng” không qua đấu giá
Đối với dự án Trường Chính trị Khánh Hòa, theo hồ sơ, năm 2014 ông Nguyễn Chiến Thắng (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) ký văn bản cho Công ty CP Thanh Yến (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao) ở ngoại thành Nha Trang với tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng. Đổi lại, Công ty Thanh Yến được hoàn vốn bằng quỹ đất của Trường Chính trị cũ tại số 1 Trần Hưng Đạo (TP Nha Trang) với diện tích gần 7.400m2.
Khu đất này được ví như “đất vàng” bởi nằm 2 mặt tiền, song song đường Trần Phú - con đường đắt đỏ bậc nhất Nha Trang. Sai phạm của ông Thắng liên quan dự án này: Khu đất này được quy hoạch là đất dịch vụ thương mại nhưng ông Thắng chỉ đạo các sở ngành tham mưu để “hô biến” phần lớn là đất ở, sau đó giao cho Công ty Thanh Yến thực hiện dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ - y tế - văn phòng - khách sạn - nhà ở chung cư. Đến nay, dự án đã xây dựng 2 khối tháp, đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, dư luận còn bức xúc việc định giá đất tại dự án Trường Chính trị Khánh Hòa quá rẻ so với thị trường. Cụ thể, tháng 2-2016, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (vừa bị khởi tố trước đó cũng liên quan trong vụ án này - PV), đã ký quyết định thu hồi toàn bộ 7.388m2 đất do Trường Chính trị Khánh Hòa quản lý tại số 1 Trần Hưng Đạo, giao cho Công ty CP Thanh Yến làm dự án mà không qua đấu giá.
Trong diện tích này có 4.440m2 đất ở đô thị (được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất), gần 2.949m2 còn lại là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (nhà nước cho thuê trả tiền một lần; thời hạn giao và cho thuê đất đến ngày 30-6-2065).
Tiếp đó, ngày 21-7-2016, ông Thiên ký quyết định phê duyệt giá hoàn vốn cho Công ty CP Thanh Yến với mức: đất ở lâu dài chưa đến 22,5 triệu đồng/m2, toàn bộ diện tích đất thương mại, dịch vụ còn lại giá 7,8 triệu đồng/m2. Tổng số tiền tỉnh Khánh Hòa thu được từ việc giao và cho thuê toàn bộ diện tích gần 7.400m2 khu đất trên chỉ 114,8 tỷ đồng, trong khi vào thời điểm đó, giá đất mặt tiền đường Trần Hưng Đạo được rao trên các sàn giao dịch bất động sản khoảng 200 triệu đồng/m2.
Cũng tại vụ án này, ông Võ Tấn Thái, nguyên Giám đốc Sở TN-MT Khánh Hòa, là người chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và cắm mốc giao diện tích đất trên cho doanh nghiệp. Hiện ông Thái cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam.