Tháo điểm nghẽn, tăng kết nối
Một trong hai dự án hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia sẽ trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào ngày 23-5 tới để xem xét thông qua là đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TPHCM sau khi được Bộ Chính trị cho ý kiến.
Đường vành đai 3 được xác định là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị vệ tinh của TPHCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh. Từ đó, tuyến đường tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô 8 làn xe cao tốc và đường song hành 2 bên, mỗi bên tối thiểu 2 làn xe. Dự án được đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 75.378 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư 41.589 tỷ đồng.
Tại khu vực phía Đông TPHCM sẽ bắt đầu từ cầu Nhơn Trạch hướng về cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Sau đó, hướng về phía đường Tân Vạn. Điểm cuối, đường Vành đai 3 ở TP Thủ Đức là điểm giao cắt QL1A (Xa lộ Hà Nội) tại ngã ba Tân Vạn.
Việc đầu tư dự án Vành đai 3 nhằm hoàn chỉnh hệ thống giao thông phía Đông TPHCM nói riêng và của TPHCM nói chung với các tỉnh trong “tứ giác phát triển”: TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng tàu. Đối với khu Đông TP còn có một ý nghĩa rất lớn là góp phần giải tỏa tình trạng quá tải giao thông, kết nối nhanh với các đô thị trong vùng.
Cát Lái là cảng container lớn nhất Việt Nam, chiếm 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam và 50% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Theo dự báo, đến năm 2020, cảng Cát Lái tiếp nhận 50 triệu tấn hàng hóa nhưng trên thực tế, lượng hàng về cảng hiện đã 100 triệu tấn/năm. Mỗi ngày, có 20.000-22.000 lượt xe container ra vào cảng này, có khi lên đến 26.000 lượt, trong khi mức dự báo là 12.000-14.000 xe/ngày. Bên cạnh đó, do không có đường vận chuyển chuyên dụng, xe container và xe dân sự phải lưu thông hỗn hợp nên tai nạn giao thông cũng thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường ra vào cảng.
Một trong những dự án giao thông kỳ vọng sẽ tạo đột phá về kết nối giữa khu Đông TP với các tỉnh Đông Nam bộ, đặc biệt là TP Nhơn Trạch (Đồng Nai) là cầu Cát Lái. Theo quy hoạch bổ sung của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2017, cầu Cát Lái có điểm đầu tại phường Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TPHCM và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1km, thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.
Cụ thể, theo phương án 1, dự án Xây dựng cầu Cát Lái sẽ có điểm đầu tại cuối nút giao Mỹ Thủy nằm trên đường Nguyễn Thị Định. Tuyến đi trùng với đường Nguyễn Thị Định tới bến phà Cát Lái, vượt sông Đồng Nai sang phía huyện Nhơn Trạch. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi trùng với đường trục quy hoạch, cắt qua đường quy hoạch 25C và kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án.
Ngoài ra, để giải tỏa áp lực về giao thông cho khu vực này, TPHCM sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng xung quanh cảng như mở rộng các đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công; tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án nút giao Mỹ Thủy, trong đó, xây cầu vượt cho xe từ cảng Cát Lái rẽ trái đi cầu Phú Mỹ và xây cầu Kỳ Hà 4 cho xe từ cầu Phú Mỹ rẽ phải về cảng Cát Lái.
Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho biết, để gỡ nút thắt giao thông khu vực cảng Cát Lái, trong năm 2022, sở cũng dự kiến khởi công dự án nút giao An Phú với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, giúp kết cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đại lộ Mai Chí Thọ. Từ nay đến năm 2025, chính quyền thành phố cũng ưu tiên khép kín đường Vành Đai 2, trong đó có hai đoạn qua TP Thủ Đức, giúp giảm áp lực giao thông cho các tuyến Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1, tăng kết nối giao thông cho các cảng ở TP Thủ Đức, đặc biệt là cảng Cát Lái.
Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho rằng, để “chia lửa” cho cảng Cát Lái, ngành chức năng TPHCM cần tập trung mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ dẫn vào cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Hiện cảng Hiệp Phước chỉ khai thác được khoảng 50% công suất nhưng đường vào cảng này thường xuyên kẹt xe nên xe vận tải từ các tỉnh miền Tây phải chạy đến cảng Cát Lái bỏ hàng, càng khiến đường quanh cảng Cát Lái thêm quá tải.
Nâng tầm khu vực
Cảng hàng không Quốc tế Long Thành là một trong những dự án được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực, làm thay đổi bộ mặt đô thị những khu vực lân cận. Đây cũng là dự án được Chính phủ quan tâm đẩy nhanh tiến độ quyết liệt nhất. Đầu tháng 4 vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị chủ đầu tư sân bay Long Thành - cho biết, sau 2 tháng ra quân, đến nay các mũi thi công đã được triển khai tối đa, thi công liên tục 3 ca. ACV đã chuẩn bị đủ đối ứng 36.000 tỷ đồng sẵn sàng cho dự án. Năm 2022, dự kiến ACV sẽ giải ngân khoảng 8.500 tỷ đồng cho dự án thành phần 3, chủ yếu cho các gói thi công san nền, thi công nhà ga hành khách, thi công khu bay cũng như thiết kế kỹ thuật cho các hạng mục này; giải ngân giải phóng mặt bằng hệ thống giao thông kết nối.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh mục tiêu: khánh thành dự án vào năm 2025; tiến độ phải chốt, chất lượng đặt lên hàng đầu; luôn luôn chú trọng biện pháp phòng, chống lãng phí, tiêu cực đối với công trình có số vốn khoảng 5 tỷ USD này.
Đối với các công trình giao thông kết nối, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch, bảo đảm có tầm nhìn xa, đáp ứng nhu cầu giao thông nội bộ và khả năng kết nối cảng hàng không quốc tế quy mô đến 100 triệu khách/năm với TPHCM và các địa phương, tránh tình trạng nhỏ lẻ, manh mún.
Với những dự án mang tầm vóc quốc gia, nhiều chuyên gia đánh giá, các khu đô thị trong khu vực, đặc biệt là những khu vực non trẻ còn “dư địa” phát triển như TP Thủ Đức sẽ nâng lên một tầm vóc mới.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ, kết nối giao thông là vấn đề “cốt lõi” để kinh tế vùng “tứ giác phát triển”: TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu phát triển, do đó những dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 3, Vành đai 4, hay cầu Cát Lái có ý nghĩa rất lớn trong thời gian tới. Từ năm 2013, Thủ tướng đã phê duyệt, 17 đại đô thị trong khu vực này, nhưng thời gian qua chưa phát triển như mong đợi, do không kết nối được. Ví dụ một cái cầu nối TPHCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) nếu xây dựng sớm ngày nào thì đô thị nói riêng và kinh tế - xã hội của hai địa phương đó (TPHCM và Đồng Nai), đặc biệt là nơi có cầu đi qua sẽ là nơi hưởng lợi nhiều nhất.