Làm sao quên được nỗi niềm của những manh áo mới chạy tung tăng khắp ngõ khắp làng như muốn khoe với cả mùa Xuân tưng bừng, rạng rỡ. Làm sao quên được những tiếng reo vui của nồi bánh chưng sôi, của mâm cơm tất niên gọi về mùa sum vầy, đầm ấm. Và tôi quên sao được những đồng tiền mừng tuổi của cha mẹ, của xóm làng họ mạc suốt những tết ấu thơ.
Mẹ thường dạy mấy chị em tôi rằng, sự việc đầu tiên diễn ra đối với mỗi người, mỗi nhà vào buổi sáng sớm ngày Mùng Một Tết rất quan trọng, nên phải giữ gìn và hết sức cẩn trọng, kẻo ảnh hưởng đến gia đình chủ nhà suốt cả một năm trời. Chính vì vậy, phải được coi là “tốt vía”, nhanh mồm nhanh miệng thì mẹ mới khuyến khích cho đi xông nhà họ hàng và làng xóm.
Khi những tiếng chuông đồng hồ đầu tiên điểm thời khắc sang canh, báo hiệu phút Giao thừa sang một năm mới đã đến, là bắt đầu thời gian để đi chúc tết. Có nhiều cách để chọn người xông nhà, tùy theo sở thích, quan niệm của gia chủ.
Có thể là chọn một người trong gia đình đi du Xuân trước Giao thừa. Chờ cho thời gian điểm năm mới, người này tự xông nhà với mong muốn: Mang về cho gia đình nhiều điều tốt lành và may mắn. Lại có nhiều gia đình thích người ngoài xông nhà hơn vì mong muốn luôn có sự mới mẻ và đổi thay thời vận trong năm tới. Không ít người cẩn thận và cầu toàn, đã chọn và dạm người xông nhà từ hàng tháng trước tết, những mong được toại ý sở cầu...
Thông thường, trẻ con vẫn luôn được ưu tiên nhờ xông nhà hơn bởi đang ở tuổi phát triển và hồn nhiên, vô tư, trong sáng. Thế nên, Tết Nguyên đán của bọn trẻ chúng tôi xưa là thời gian rong ruổi đi chúc tết xông nhà, vừa được chơi Xuân vừa được tiền mừng tuổi. Tiền mừng tuổi thường không nhiều nhưng bao giờ cũng còn mới, chưa có nếp gấp nên đứa nào cũng rất thích. Đó là những tờ tiền giấy mệnh giá 1 đồng, hai đồng... rồi sau này là 100 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng... chen chúc trong túi áo như thể cũng cảm nhận được niềm vui phơi phới, xốn xang của chúng tôi.
Những tờ tiền dù đã rất phẳng phiu nhưng vẫn được tôi chốc chốc lại vuốt xuôi vuốt ngược mà thích thú cảm nhận sự ram ráp của những hoa văn hay thỉnh thoảng lại đưa lên hít hà mùi thơm của giấy mới. Tiền mừng tuổi được tích góp dồn lại rồi cất kỹ, thỉnh thoảng lại được lấy ra ngắm vuốt, đếm đi đếm lại.
Thường đến rằm tháng Giêng, khi không khí tết đã hết và những đồng tiền mừng tuổi cũng không còn... mới nữa, mấy chị em tôi mới dồn góp tiền lại để đưa cho mẹ chi tiêu.
Mấy mươi Xuân đi qua mang đến bao đổi thay ở ngôi làng bé nhỏ của tôi. Mỗi tết về, tôi càng thêm nhớ những mùa Xuân đơn sơ mà đầm ấm, thuở chị em tôi vui vầy bên cha mẹ, nhớ những đồng tiền lẻ được mừng tuổi, vẫn luôn bóng hồng và phẳng phiu giấy mới cứ tỏa ra từ ký ức thơm tho....
TRẦN VĂN LỢI
Nghĩa Hưng, Nam Định