Những dòng kênh bị bức tử

Hàng loạt con kênh trên địa bàn TPHCM đã và đang “chết” vì phải hứng chịu hàng trăm tấn rác xả. Điều đáng nói, TPHCM phải bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng để khôi phục lại hàng loạt tuyến kênh, rạch đã bị lấp.
Những dòng kênh bị bức tử

Hàng loạt con kênh trên địa bàn TPHCM đã và đang “chết” vì phải hứng chịu hàng trăm tấn rác xả. Điều đáng nói, TPHCM phải bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng để khôi phục lại hàng loạt tuyến kênh, rạch đã bị lấp.

Những dòng kênh không... chảy

Kênh A41 là hướng thoát nước chính cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhưng bị người dân cơi nới, xây dựng lấn chiếm, khiến dòng kênh rộng từ 6m - 8m nay nhiều đoạn “teo tóp” chỉ còn khoảng một bước chân, thậm chí bị lấp làm lối đi khiến nước không thoát kịp, gây ngập sân bay. Tuyến kênh này dài khoảng 2km, điểm đầu giáp sân bay Tân Sơn Nhất, chạy len lỏi giữa các khu dân cư hướng ra đường Cộng Hòa đổ vào cống ngầm để thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Là con kênh có nhiệm vụ tiêu thoát 50% nước của sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng hiện nay, kênh A41 như một cái “mương nho nhỏ” đầy xà bần, rác thải, thùng xốp, bao ni lông, nệm, gối, chiếu… nằm vất vưởng khắp nơi trên mặt kênh. Nhiều đoạn bị tắt dòng chảy do rác thải ứ đọng dày đặc.

Tương tự, tại quận 6, suốt thời gian bị địa phương “bỏ quên”, kênh Hàng Bàng bị lấn chiếm, bồi lắng, thu hẹp dòng chảy, ô nhiễm trầm trọng. Hiện hai đoạn kênh ở hai đầu chỉ còn là một mương thoát nước thải của khu dân cư hai bên, rộng chừng 2m - 3m. Riêng đoạn giữa của kênh (từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ dài hơn 600m) đã được lấp, đặt cống hộp từ năm 1999 - 2000.

Xuôi về quận Bình Thạnh, tuyến kênh Cầu Đỏ từ sông Vàm Thuật đến cầu Bình Triệu lòng kênh bị lấn chiếm, lấp đầy bởi rác, thêm vào đó sình lầy ngập tới đầu gối khiến dòng chảy bị hạn chế. Đi dọc theo hai mé kênh, ngoài những điểm kinh doanh cừ tràm vứt rác bừa bãi, theo ghi nhận của chúng tôi, vỏ dừa, xơ dừa được chặt ra cũng đem đổ hết xuống lòng kênh không được thu dọn. Do dòng kênh chảy không được, cứ sau một cơn mưa lớn, nước tràn lên, không những ngập mà còn đưa rác vào nhà dân.

Quanh khu vực cầu Bùi Hữu Nghĩa, dòng kênh chạy ngoằn ngoèo từ phường 2 đến phường 15 (quận Bình Thạnh) cũng cùng chung cảnh ngộ. Những xóm nhà trên kênh rạch nằm san sát, cọc, cừ đóng dày đặc đến giữa lòng kênh. Phía dưới những xóm nhà lấn kênh này là một lớp rác dày với bao ni lông đủ loại, dày đặt lòng kênh, khiến dòng kênh như một bãi rác lộ thiên. Ngược về hướng quận 7 và huyện Nhà Bè, tuyến  rạch TT6 chảy ra sông Nhà Bè, rộng khoảng 20m, thông vào khu dân cư hiện hữu ra tới đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, ước dài khoảng 2km. Theo quy hoạch, con rạch có chức năng thoát nước cho khu vực dân cư đường Huỳnh Tấn Phát, Đào Tông Nguyên và thoát nước mưa cho khu vực thị trấn Nhà Bè, xã Phú Xuân. Tuy nhiên, năm 2010, trong quá trình thực hiện dự án khu dân cư Sài Gòn Mới, Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Mới đã san lấp hoàn toàn đoạn rạch với diện tích khoảng 12.000m². Hiện nay, khu vực này cứ mưa hay triều cường thì ngập lênh láng vì nước không có lối thoát. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên phần đất rạch bị san lấp có đường và một số lô đất nền xây tường gạch để giữ đất. Ngoài ra, phía hạ lưu rạch TT6 tiếp giáp sông Nhà Bè cũng bị Tổng Công ty Xăng dầu Nhà Bè san lấp để xây nhà xưởng.

Nhà dân xây dựng chắn ngang kênh Trung Ương (huyện Bình Chánh, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Khôi phục những nơi bị lấn chiếm

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, hiện TP có 2.000km kênh thoát nước, hơn 100.000 hố ga và 800 cửa xả thải. Hiện có rất nhiều tuyến kênh, rạch bị thu hẹp diện tích không thể sử dụng phương tiện máy móc để vớt rác hay khơi thông dòng chảy. Thậm chí có những con kênh bị bao vây trong khu dân cư, không thể cải tạo được. Các đợt khảo sát của lãnh đạo UBND TP cho thấy, đa số hệ thống thoát nước sẵn có trên địa bàn TP đang bị lấn chiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước. Một số công trình không được đầu tư đồng bộ như khi nâng cấp, mở rộng đường lại không đầu tư hệ thống cống thoát nước... Công tác quản lý đô thị của các quận, huyện còn nhiều hạn chế. TP đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng, hệ thống thoát nước, nhưng do không được quản lý chặt, vẫn để tình trạng lấn chiếm xảy ra và nạn xả rác xuống cống, kênh rạch vẫn tiếp tục.

Để giải quyết, UBND TP đã yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác quản lý, nếu để xảy ra lấn chiếm, xâm hại đến hệ thống thoát nước trên địa bàn, lãnh đạo địa phương sẽ bị xử lý nghiêm. Việc cấp bách khác, đó là đẩy nhanh tiến độ di dời nhà trên và ven kênh rạch, tập trung khôi phục hệ thống thoát nước hiện hữu, kết hợp nạo vét, duy tu, khơi thông dòng chảy thoát nước cho các kênh rạch. Một giải pháp khác cũng đang bàn đến, đó là TP có cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, các tổ chức khi xây dựng công trình phải xây dựng thêm hồ chứa nước mưa để giảm bớt lượng nước chảy tràn, vừa tích trữ nước phục vụ cho các mục đích khác như tưới cây, chữa cháy... Riêng đối với diện tích rạch bị san lấp trái phép, UBND TP yêu cầu các quận, huyện khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện khôi phục hiện trạng ban đầu.

Nội thành TPHCM có 5 hệ thống kênh rạch chính, với tổng chiều dài 76km, gồm: Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm; Tàu Hủ - Kênh Đôi; Kênh Tẻ - Bến Nghé; Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật. Hệ thống kênh rạch này cùng với sông Sài Gòn (khoảng 38km) có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thoát nước. Trừ hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang hồi sinh, còn nhiều dòng kênh khác đang “chết” vì rác.

Số kênh rạch có cửa xả hoặc lòng kênh bị san lấp, lấn chiếm trên địa bàn toàn TP gồm: rạch Ông Đội, rạch Nỏ, rạch Bà Bướm, rạch Xuyên Tâm, rạch Sông Tân, rạch Tam Đệ, rạch Cây Me, rạch Bần Đôn, rạch Bến Ngựa, rạch Thầy Tiêu, rạch Cả Cấm, rạch Du, rạch Nhỏ, rạch Bà Lựu nối dài, rạch Bà Dơi, rạch Lân 2, kênh Hy Vọng, kênh Tân Trụ, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Bông, rạch Bến Bồi 1, Bến Bồi 2, rạch Tam Vàm Tắc, rạch Lăng, rạch Bà Láng, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Dĩa, rạch Ông Dầu, rạch Cao Su Việt Hưng, rạch Môn, rạch Dừa, rạch Bà Ty nhánh 1, rạch Bà Miên, rạch Trường Đai nhánh 1, rạch Cầu Cụt, rạch Chín Xiểng, rạch Phú Lộc, rạch Bồ Đề, rạch Tắc Thầy Cai, rạch Ông Búp, rạnh Liên Xã…

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục