Đây là dự án do UBND TP Thủ Đức phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất ngay sau khi được Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền theo cơ chế từ Nghị quyết 98. Cùng với dự án này, TP Thủ Đức cũng đã phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất với 2 dự án nâng cấp, mở rộng 2 đoạn đường Lã Xuân Oai. Tổng vốn 3 dự án là 1.881 tỷ đồng, chiếm gần 20% trong tổng vốn khoảng 9.460 tỷ đồng đầu tư công của TP Thủ Đức năm 2023.
Nhiều cái vướng lâu năm được tháo gỡ từ đây. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng phấn khởi, nhờ được ủy quyền mà địa phương chủ động hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Thời gian tới, TP Thủ Đức sẽ triển khai ngay việc thí điểm kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) một số công trình văn hóa - thể thao, giáo dục, y tế. Đồng thời nghiên cứu đề xuất các khu đất thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) xung quanh nhà ga của metro số 1.
Cùng với việc hoàn thiện bộ máy hành chính, Nghị quyết 98 còn mở ra cơ chế cho TPHCM phát triển hạ tầng đồng bộ, kết nối vùng và khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn thu cho ngân sách tái đầu tư hạ tầng. HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) với 5 tuyến đường cửa ngõ. Theo tính toán của Sở GTVT TPHCM, tổng vốn đầu tư 5 dự án này gần 40.000 tỷ đồng. Ngân sách TPHCM sẽ tham gia đầu tư với tỷ lệ từ 33% đến 70% tùy mỗi dự án. HĐND TPHCM giao UBND thành phố ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách để triển khai thực hiện các dự án đảm bảo đúng tiến độ.
Song song đó, TPHCM đang nghiên cứu triển khai mô hình TOD. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, chia sẻ, Nghị quyết 98 đã mở ra cơ chế cho thành phố triển khai mô hình TOD dọc tuyến đường Vành đai 3 và các tuyến đường sắt đô thị. Thời gian thực hiện Nghị quyết này chỉ trong 5 năm, vì vậy sẽ triển khai theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 triển khai ở metro số 1 và các nút giao đường Vành đai 3 TPHCM. Hiện các nhà ga và nút giao 2 dự án này đã được xác định và có cơ sở pháp lý rõ ràng nên có thể thực hiện ngay một số dự án thí điểm. Thành phố còn đang xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035. Để triển khai giai đoạn 2 mô hình TOD, cần lập đề án để cụ thể lộ trình phát triển TOD gắn với đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai được triển khai đồng bộ. Ở giai đoạn 2, TPHCM tham khảo cách làm, tư duy triển khai của các nước tiên tiến thông qua đội ngũ chuyên gia, tư vấn nước ngoài.
Chưa đầy nửa năm từ khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, TPHCM đã khẩn trương nỗ lực hiện thực hóa các cơ chế, chính sách thu hút người tài, chuyên gia, nhà khoa học tham gia hệ thống chính trị, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. HĐND TPHCM nhanh chóng thông qua các chính sách quan trọng thúc đẩy khoa học - công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhóm chính sách này tháo gỡ các vấn đề liên quan đến kinh phí, thù lao, hỗ trợ kinh phí theo chức danh… giúp cho đội ngũ nghiên cứu yên tâm cống hiến. TPHCM lần đầu tiên có những ưu đãi tiền lương, tiền công đối với người đứng đầu trong tổ chức khoa học - công nghệ công lập do UBND TPHCM thành lập, mức lương cao nhất 120 triệu đồng/tháng.
Nhóm chính sách này được kỳ vọng tháo gỡ các vấn đề liên quan đến kinh phí, thù lao, hỗ trợ kinh phí các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, thu hút thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển trong ứng dụng khoa học - công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, khẳng định: Với các chính sách vượt trội này, việc hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động bậc nhất Đông Nam Á và khu vực là kỳ vọng có cơ sở.