Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1978, truyện ký Đài hoa tím được xem là tác phẩm bao quát, chân thực và sớm nhất viết về 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Vừa ra đời, tác phẩm ngay lập tức gây được tiếng vang trong lòng người đọc.
Vào năm 2005, tác phẩm được Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam tái bản với tên mới là Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc, ngoài Đài hoa tím còn bổ sung phần Vĩ thanh: Đêm và ngày viết năm 2004, sau gần 30 năm tác giả trở lại chốn xưa. Nhân kỷ niệm 55 chiến thắng Đồng Lộc, lần nữa tác phẩm Đài hoa tím (Tri Thức Trẻ Books và NXB Văn học) trở lại với bạn đọc, theo nội dung ở lần in đầu tiên.
Ngã ba Đồng Lộc, địa danh lịch sử nằm trên Đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh. 10 cô gái với 10 cái tên giản dị: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Trần Thị Hường, Hà Thị Xanh, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hà, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hợi và Trần Thị Rạng. Họ đến từ các vùng quê, với những hoàn cảnh khác nhau, cùng gặp nhau trong tiểu đội A4, sống với nhau như một gia đình, giúp đỡ và che chở lẫn nhau.
Câu chuyện của Đài hoa tím gói gọn trong 200 trang sách, không có ai là nhân vật chính, cũng không có ai là phụ. Hoàn cảnh của 10 cô gái dần dần được hé lộ qua từng trang sách. Nhiều trong số đó có hoàn cảnh thật éo le. Và dẫu trong lòng có nhiều ưu tư, nhưng khi đi làm nhiệm vụ, các chị đều gác tất cả niềm riêng để một lòng hướng về miền Nam yêu thương, cùng chờ đến ngày thống nhất đất nước. Nhưng ngày đó đã không đến với các chị, khi bom Mỹ vùi lấp các chị vào lòng đất. Các chị mãi mãi nằm lại khi tuổi đời mới chỉ mười tám đôi mươi.
Tác giả Nghiêm Văn Tân không viết Đài hoa tím bằng những câu từ hoa mỹ, ông cũng không tiểu thuyết hóa cuộc đời của 10 nữ thanh niên xung phong năm xưa. Mà thực ra, bản thân cuộc đời của 10 cô gái đã là một tác phẩm đẹp và có sức lay động lòng người. Ông chỉ cần mẫn ghi chép, trải lòng mình lên trang viết bằng một diễn ngôn giản dị nhưng ẩn chứa trong đó là niềm yêu thương, cảm phục đến “10 bông hoa mua” xinh đẹp.
Tác giả đặc tả nhiều chi tiết khiến người đọc không khỏi bùi ngùi. Đó là bức thư mà chị Nguyễn Thị Xuân vừa nhận được của người yêu được kẹp trên mái tóc còn chưa kịp đọc, là chuyện tình chưa kịp chớm nở giữa chị Nguyễn Thị Nhỏ với một anh lái xe, mới chỉ kịp trao cho nhau bó hoa mua tím... Tất cả gợi nên nhiều tiếc nuối và xót xa. Nhưng trên tất cả, sự hy sinh và câu chuyện về lòng can đảm của 10 nữ thanh niên xung phong năm xưa đã truyền lửa cho những thế hệ sau.