Ngôn ngữ có thể là lời yêu từ trái tim nhưng cũng có thể là lưỡi dao sắc nhọn. Có nhiều bậc phụ huynh biết tận dụng cơ hội dạy bảo con từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Nhưng cũng có nhiều bố mẹ biến sự dạy bảo ấy thành câu trách mắng phũ phàng. Liệu các bậc cha mẹ có nhận ra rằng, những lời nặng nề sẽ gây tổn thương trong tâm hồn non nớt của trẻ và những vết sẹo hằn đó rất khó phai nhòa.
Con nhà người ta
Mỗi năm, giới trẻ thông qua các trang mạng xã hội đã đề ra rất nhiều câu mang tính cộng đồng, hài hước như “đắng lòng”, “chuẩn không cần chỉnh”… nhưng những từ lóng đó chỉ sống tối đa khoảng 1 năm, thậm chí còn ít hơn. Duy nhất chỉ có 1 câu mà thời gian tồn tại của nó được xem là “trường tồn”, từ những cô cậu bé tiểu học đến cả những người đã trưởng thành, bởi khi nhắc đến, câu nói đó vẫn luôn ám ảnh họ: “con nhà người ta”. Đó là “con nhà người ta” thập toàn thập mỹ, học giỏi, không biết đi chơi, chăm làm việc nhà, có hiếu với bố mẹ, cái gì cũng biết làm…
Nga là cô bé thích vẽ từ nhỏ. Mặc dù vẽ không đẹp lắm nhưng em rất yêu các đường nét và màu sắc, thích vẽ phong cảnh hoặc những con vật ưa thích. Cô bé từng học nhiều môn nghệ thuật khác như hát, múa, đàn… nhưng đều chóng chán, chỉ trừ hội họa là say mê. Mẹ Nga cũng ủng hộ sở thích của con, mua rất nhiều màu vẽ và giấy. Một ngày nọ, trường của Nga tổ chức lễ hội nghệ thuật, Nga thi vẽ với mong muốn khoe với các bạn những tác phẩm của mình. Lúc thi, mẹ Nga cũng đến cổ vũ. Khi thi, Nga vẽ rất nghiêm túc, cố hết sức nhưng đáng tiếc lại không có giải. Buồn bã, bé tìm mẹ để tâm sự, không ngờ mẹ không những không an ủi, còn mắng con một trận, cho rằng bé phí thời gian, tốn tiền của. Bà còn nhắc đi nhắc lại rằng: “Con xem con nhà người ta kìa…”. Thì ra hôm đó, một người đồng nghiệp của mẹ Nga cũng có con thi vẽ và đoạt giải nhất. Người đồng nghiệp cũng có mặt để ủng hộ con và đương nhiên biết Nga không đoạt giải, mẹ Nga vì thế cảm thấy mất mặt với người đồng nghiệp. Khỏi phải nói, những lời của mẹ đã làm Nga cảm thấy buồn như thế nào, cô bé không ngờ ngay cả người gần gũi nhất với mình cũng phủ nhận khả năng hội họa của mình. Từ đó, Nga bỏ vẽ dần bởi ám ảnh rằng dù mình có cố gắng thế nào cũng không bao giờ bằng được “con nhà người ta”.
Dũng nổi tiếng khắp nhà trẻ vì nghịch bướng, thường xuyên gây sự với các bạn. Có hôm cậu nhổ tóc của bạn ngồi trước làm bạn khóc rất lâu, hôm khác thì bẻ gãy càng con tôm hùm cô mang đến cho lớp học quan sát, hôm khác lại đánh nhau với bạn. Mỗi lần như vậy, nghe cô giáo phê bình, mẹ Dũng đều rất tức giận, la mắng cậu bé và mỗi khi cậu định cãi lại, bao giờ mẹ Dũng cũng chặn lời: “Mẹ không muốn nghe con nói một lời nào nữa”; “Mẹ không cần nghe con giải thích, phải xin lỗi ngay lập tức”; “Ngậm miệng lại”... Cho đến một hôm, cậu làm một việc sai, mẹ Dũng hỏi lý do tại sao con làm điều đó. Dũng thản nhiên đáp: “Mẹ hỏi làm gì, đằng nào thì mẹ cũng không nghe con giải thích”.
Chuyện trò trong hạnh phúc
Mọi nhà giáo dục cấp tiến trên thế giới đều đồng thuận rằng, bố mẹ nên thường xuyên đem đến cho trẻ những động viên tích cực, hãy dùng những từ ngữ chuyển tải tình yêu, xoa dịu cảm xúc, hãy tôn trọng, kích thích suy nghĩ, gợi mở tâm hồn trẻ. Trẻ sẽ dần trở nên lạc quan và tự hoàn thiện nhân cách của mình.
Khi trẻ gặp khó khăn, thất bại, điều chúng cần nhất là được bố mẹ cảm thông và an ủi. Những lời mắng khắt khe chỉ làm tổn thương lòng tự trọng mong manh của trẻ, khiến chúng mất tự tin, rồi trở nên tự ti. Bố mẹ càng trách trẻ không giỏi, chúng sẽ càng tin chúng đúng là không giỏi. Một tâm hồn khỏe khoắn của trẻ quan trọng hơn nhiều so với thể diện của bố mẹ. Khi Nga gặp thất bại, về nhà trong nỗi thất vọng, mẹ có thể mỉm cười và nói với em: “Không sao đâu! Lần sau con lại cố gắng tiếp nhé!”. Như thế, Nga sẽ thấy mẹ hoàn toàn cảm thông với tâm trạng của em, em sẽ lấy lại tinh thần, tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Còn với Dũng, nếu người mẹ biết lắng nghe con giải thích, bà mới hiểu mọi chuyện đều có nguyên nhân. Trẻ em cũng như người lớn, trong nhiều việc đều có lý do riêng của mình, dù hợp lý hay không. Nếu cứ mặc định la mắng mà không phân biệt phải trái, đổ hết tội lên đầu đứa trẻ dù chưa hiểu rõ nguyên nhân thì sẽ làm cho trẻ mất đi sự tin tưởng vào bố mẹ, thậm chí dẫn đến tâm lý chống đối, nổi loạn theo kiểu bố mẹ không muốn con làm điều gì, con sẽ cố làm điều đó.
Giao tiếp là nền tảng căn bản để hiểu và cảm thông. Tránh được những câu nói quá tiêu cực, bố mẹ và con sẽ gần gũi và yêu thương nhau hơn, từ đó tạo nên sự trưởng thành tích cực, không chỉ của trẻ mà cả sự trưởng thành trong phương diện làm cha làm mẹ. Có một nguyên tắc cơ bản trong việc dạy con, đó là chúng sẽ tốt lên khi bố mẹ làm gương. Không thể yêu cầu một chiều, chỉ bắt con thay đổi còn chính bố mẹ thì giậm chân tại chỗ. Đây được xem là mấu chốt của rất nhiều xung đột giữa các thế hệ. Nếu phụ huynh vẫn kiên trì làm vậy, nhiều khả năng sẽ làm mệt mỏi chính mình và quan hệ với con cái vẫn không cải thiện được nhiều. Nhưng nếu chính phụ huynh dũng cảm hiểu về bản thân mình trước, rồi thay đổi chính bản thân thì họ sẽ như một đầu tàu nhiệt huyết, đưa con cái và cả gia đình phát triển theo hướng tích cực một cách trơn tru hơn rất nhiều.