Xe buýt là phương tiện giao thông an toàn và tiết kiệm cho sinh viên, vì chỉ phải trả có 2.000 đồng/lượt vé (người bình thường là từ 6.000 - 7.000 đồng/lượt vé). Là một người đã sử dụng phương tiện xe buýt để di chuyển trong nhiều năm nay, tôi chia sẻ một số điều cần lưu ý để các bạn tân sinh viên đi lại bằng xe buýt được thuận tiện, an toàn.
Trước khi bắt đầu đi lại hàng ngày bằng xe buýt, nếu chưa biết, hay không có ai quen biết để hỏi xem có các tuyến buýt nào sẽ chạy qua địa điểm bạn thuê trọ tới địa điểm trường học, thì bạn có thể vào trang web của Sở Giao thông Vận tải - Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM để tìm hiểu bản đồ mạng lưới xe buýt. Nếu muốn rành rọt và nhanh chóng hơn, bạn có thể gọi theo số điện thoại của Trung tâm Tiếp nhận sự cố hạ tầng TP (028) 39111333 để được tổng đài viên giải đáp những thắc mắc về giờ giấc, lộ trình, biểu đồ... của các tuyến buýt.
Sinh viên đi xe buýt được trợ giá, vì vậy khi mua vé và trình thẻ sinh viên, các bạn nhớ bỏ khẩu trang ra để tiếp viên nhận dạng, tránh để tiếp viên nhắc nhở. Khi mới nhập học, nhà trường sẽ chưa thể nhanh chóng làm thẻ sinh viên để các bạn được trợ giá khi đi lại bằng xe buýt. Do vậy, bạn có thể áp dụng phương pháp mua vé tập để đi lại. So với vé hàng ngày mua trực tiếp mỗi lần đi xe, vé tập rẻ hơn được khoảng 20%.
Nhiều tài xế xe buýt tại TPHCM sẽ không dừng lại tại trạm, nếu như dưới trạm khách đứng mà không đưa tay lên vẫy. Chính vì vậy, khi đứng tại trạm mà nhìn thấy xe mình cần đi thì từ xa bạn phải nhanh chóng đưa tay lên vẫy để các bác tài nhận được tín hiệu và cho xe vào trạm đón khách. Xe buýt luôn quy định khách lên tại cửa trước, xuống tại cửa sau, vì vậy bạn cần phải thực hiện đúng quy định này để không làm ùn tắc vì có người lên và người xuống cùng một cửa.
Các bạn không được xả rác, nói chuyện lớn, gây ồn trên xe và luôn cảnh giác nạn trộm cắp móc túi. Lúc đứng dưới trạm chờ xe hay khi ở trên xe đông đúc, luôn đeo ba lô ngược phía trước, bởi bọn gian luôn đứng ở phía sau để rạch túi móc đồ. Không mang nhiều tiền bạc, tài sản quý giá khi đi xe buýt, và nếu có thì tuyệt đối không được cất hớ hênh tại túi quần sau, túi áo ngoài, mà phải nhét vào túi phía trong, hoặc trong ngăn giữa của túi xách, ba lô...