Tại TPHCM, một số tuyến đường bỗng chốc trở thành “điểm hẹn” kinh doanh của không ít bạn trẻ hậu dịch Covid-19. Hậu quả của việc buôn bán tự phát chính là khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ách tắc giao thông, thậm chí nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Thực tế, những năm qua, TPHCM đã có các chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn được phép bám trụ kinh doanh (bán bánh mì, cà phê…) ở một số tuyến đường. Nhiều mô hình được thực hiện, tạo công ăn việc làm hiệu quả, đảm bảo sinh kế cho bà con. Riêng các trường hợp thất nghiệp “đột biến” như hiện nay, phần nhiều là người trẻ, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên phải kinh doanh ở vỉa hè thì chưa được thống kê cụ thể và chưa có hình thức hỗ trợ thiết thực.
Ghi nhận vào sáng sớm tại một số tuyến đường như Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận); Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa (quận Tân Bình); Quang Trung (quận Gò Vấp)…, số lượng các điểm bán di động gồm xôi gấc, cà phê, nước ép, sữa tươi khá nhiều. Người đứng bán đa phần là các bạn trẻ ở độ tuổi dưới 30. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Tám (quê Long An, ngụ tại Nguyễn Thị Đặng, quận 12) bán xe bánh mì và cà phê trên đường Quang Trung. Chị chia sẻ: “Tôi có công việc ổn định tại một công ty may mặc xuất khẩu trên địa bàn TPHCM. Trước dịch Covid-19, mức lương của tôi là 12 triệu đồng/tháng chưa kể phụ cấp, nhưng hiện tại chỉ còn phụ cấp 2 triệu đồng/tháng, nên phải làm thêm đủ việc”.
Tuy vậy, không phải người bán nào cũng có ý thức, chẳng hạn như một số điểm bán phía trước siêu thị Co.opmart Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12). Người bán biến nơi đây thành khu chợ trời di động, nhiều lần gây ùn ứ, thậm chí xảy ra tai nạn. Ở nhiều điểm khác, lề đường nhỏ hẹp nên người mua dựng tràn xe và đợi nhận hàng ở lòng đường, bất chấp tiếng còi xe xin đường từ ô tô, cũng như các phương tiện lưu thông khác.
Quy định về sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM có nêu rõ một vài trường hợp được sử dụng lòng lề đường cho mục đích phi giao thông (cưới hỏi, tuyên truyền cho hoạt động thể thao, diễu hành…). Riêng việc kinh doanh tự phát như hiện nay bằng cách chế các xe nhỏ, di động để sẵn bánh mì, cà phê… bán cho khách, đồng thời dễ “bỏ chạy” khi cơ quan chức năng kiểm tra thì chưa có các quy định rõ ràng. Sau khi “đẩy, đuổi”, nhiều người kinh doanh tiếp tục tái phạm. Lỗ hổng xử lý sai phạm này các cơ quan chuyên trách nên xem xét.
Mặt khác, chính quyền địa phương cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các bạn trẻ kinh doanh ở thời điểm hiện nay, khi mà dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.