Đó là chỉ dấu cho một tấm lòng thiết tha với thi ca, chân thành và tin cậy. Bây giờ, tập thơ thứ 3 Những dấu chân thơ được ra mắt, để cùng chị rong ruổi tìm kiếm tri âm thanh thản và tận tụy.
Nhà thơ Trần Kim Dung có nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường THCS An Đà, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Nghỉ hưu, chị rời thành phố hoa phượng đỏ, chuyển vào sinh sống tại đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam và tiếp tục theo đuổi đam mê sáng tác văn chương mà chị ấp ôm từ thời thanh xuân. Chị lặng lẽ chạm tay những chữ nghĩa mơ màng và bồi hồi lắng nghe tiếng vọng những vần điệu bâng khuâng.
Thơ Trần Kim Dung không cầu kỳ cũng không bóng bẩy. Chị nhẹ nhàng ghi lại những xao xuyến của mình, thành những lời tỉ tê bất ngờ. Ví dụ, Tiếng tằm ăn rỗi như chiều đổ mưa là một câu thơ chẳng cần bám víu vào văn bản cố định nào, cũng chẳng cần hỗ trợ bởi câu chuyện lâm ly nào. Một câu thơ không chút kỹ thuật, mà dư âm cứ bồng bềnh, cứ ngân nga. Một câu thơ độc lập, tự tại và ôn tồn, chứng minh phẩm chất thi sĩ của người viết.
Nhìn thật bao quát, nhà thơ Trần Kim Dung có thói quen thể hiện những suy tư bằng thơ lục bát. Những câu 6 chậm rãi và những câu 8 giãi bày, vốn thuận lợi cho tác giả muốn truy vấn những bồi hồi trong muôn trùng kỷ niệm.
Trần Kim Dung thong dong sử dụng lục bát để níu giữ những khoảnh khắc thoáng gặp đã gắn bó như cố nhân, khi xa vắng Vườn chùa xanh thắm bóng cây/ Giọt chuông rơi xuống nở đầy sen thơm, khi ngậm ngùi Hỏi đò đứng đó đợi ai/ Cho ta làm bạn đường dài quá giang và cả khi nôn nao Hoàng hôn tím nữa đi nào/ Cho ta quên lối, lạc vào chốn xưa.
Đọc thơ Trần Kim Dung, không khó để mường tượng tương đối rõ ràng một người phụ nữ đa đoan và đôn hậu. Chị giăng mắc cố hương gần gũi với mình: Cổng làng tóc nhuộm gió sương/ Hai vai gánh nặng con đường bão giông và chị xót xa với cuộc mưu sinh nhọc nhằn của đứa trẻ nghèo một lần chứng kiến ở Biển Hồ, Campuchia: Mò sâu tận đáy bùn lầy/ Mong sao vớt được một ngày trong mơ.
Tập thơ Những dấu chân thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, mang phong vị của trải nghiệm nâng niu và an ủi. Những dấu chân của nhà thơ Trần Kim Dung không nhàn rỗi với từng danh thắng mà bận bịu với từng con người, dẫu chỉ lướt qua nhau giữa mùa trôi bất tận. Công trình kỳ vĩ hay thiên nhiên lộng lẫy được chị đề cập cụ thể, cũng chỉ là cơn cớ để chị sốt ruột nghĩ về mỗi số phận nhỏ bé trong thế giới hội nhập thênh thang ưu phiền.
Những dấu chân của chị đã đi đến thơ, nhờ thơ bịn rịn xoa dịu Áo chàm thấp thoáng nương xanh/ Để ai tìm mãi dáng hình trong mơ/ Rừng nghiêng thác cuộn gió mưa/ Ngỡ đâu tiếng triệu năm xưa vọng về và nhờ thơ thầm thì khấn nguyện Đón năm mới miền Trung mưa rả rích/ Bỗng nhớ phương Nam chan chứa nắng vàng/ Ước gì đem được chút trời xanh mây trắng/ Để sông Hoài náo nức chuyến đò ngang.