Những dấu ấn tại EURO 2016

Chuyên gia Đoàn Minh Xương

Ấn tượng nhất là công tác An ninh, nước chủ nhà đã làm mọi thứ tốt nhất để biến EURO 2016 thành ngày hội của bóng đá, nơi gặp gỡ, giao lưu giữa CĐV các nước cùng những sắc màu đẹp mắt trên khán đài. Chưa bàn đến kết quả của trận chung kết như thế nào, chỉ cần công tác An ninh được đảm bảo thì đã là thành công của nước Pháp rồi.

Dĩ nhiên là chuyện hooligan là điều khó tránh mà ở EURO lần này nổi cộm là những CĐV quá khích của Nga hay Croatia, nhưng nhìn tổng thể thì ý thức từ các CĐV khi đến với nước Pháp là rất cao.

Còn về chuyện chuyên môn, ấn tượng đầu tiên chính là lối chơi mang nặng dấu ấn của tập thể. Chính lối chơi mang đậm dấu ấn của tinh thần, đồng đội đã giúp cho CH Ailen, Xứ Wales, Iceland, Ba Lan, Hungary... vượt qua vòng bảng. Họ là những đội vốn được đánh giá trung bình, ít được để ý nhưng sự chuẩn bị tốt và tinh thần chiến đấu đã giúp họ vượt khó. Ở bất kỳ VCK EURO hay World Cup nào cũng xuất hiện những “hiện tượng”, mà lần này điều đó xứng đáng được đặt vào Bồ Đào Nha.

Cũng không được đánh giá cao nên Bồ Đào Nha đã dễ dàng vận hành miếng đánh phòng ngự phản công một cách đầy thực dụng. Họ có bị loại cũng chẳng phải nhận nhiều lời trách cứ, nhưng thành công thì dĩ nhiên là... lên mây. Điều đó đã giúp Ronaldo và các đồng đội dễ đá ngay từ trận mở màn. Họ cứ túc tắc chiến thuận an toàn, miễn là không để thua trước, còn lại thì tới đâu thì tới. Lối đá thực dụng của Bồ Đào Nha có gì đó tương tự như Italia, nhưng rõ ràng là họ có được điều mà Italia không có ở giải lần này, đó là sự may mắn. Rơi vào bảng nhẹ, vào vòng knock-out với vị trí thứ 3, rồi những chiến thắng trên loạt sút luân lưu ở vòng knock-out...

Giữa Italia và Bồ Đào Nha thì tôi vẫn thích Italia hơn, bởi ở đội bóng Thiên Thanh là một sự hoàn hảo trong lối chơi phòng ngự. Nhưng tiếc là họ đã không thể tiến xa mà như tôi có lần bày tỏ, việc chia tay EURO trên loạt sút luân lưu mà trước các nhà ĐKVĐ thế giới Đức thì không có gì phải buồn cả.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương

Quốc Cường (ghi)

***

Chuyên gia Đoàn Phùng: Tiếc nhất là Đức

Đức bước vào EURO 2016 là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu vô địch không đơn thuần chỉ là là nhà vô địch thế giới 2 năm trước mà họ còn là tập thể hài hòa giữa kinh nghiệm (Hummels, Schweinsteiger, Neuer…) với các tài năng trẻ (Kimmich, Draxler…). So với các đội khác thì Đức mạnh dạn đưa nhiều tài năng trẻ nhất tới Pháp và cũng mạnh dạn tung vào sân nhiều nhất.

Hầu hết các đội tới EURO 2016 với kiểu phòng ngự na ná nhau ở mức chênh lệch 8-10 nhưng Đức chính là đội có khả năng “chuyển hóa” từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại nhịp nhàng nhất. Đức có thể chơi 3-5-2 rồi chuyển sang 4-2-3-1 một cách uyển chuyển. Ông Joachim Loew có tập thể biết hỗ trợ lẫn nhau giữa kinh nghiệm và thể lực nhằm tuân thủ chiến thuật một cách triệt để. Hay là vậy nhưng Đức để thúc thủ vì những lỗi lầm cá nhân ở trận bán kết. Nếu ông Loew bị thúc ép phải rời tuyển Đức thay vì ở lại tới hết hợp đồng năm 2018 là một sự đáng tiếc bởi vì không chỉ một trận thua mà phải ra đi khi mà mọi thứ đã được xây dựng ổn định và phát triển tốt suốt 10 năm qua.

Đức kết thúc một EURO 2016 không có hậu cho riêng mình và cho những người yêu quý “Xe tăng”. Nhưng đó cũng là thứ thường thấy ở bóng đá: bất ngờ. EURO 2016 không có những cá nhân thực sự nổi trội dù có đó Cristiano Ronaldo. Đội trưởng Bồ Đào Nha không đủ tầm vóc để một mình giải quyết số phận trận đấu nhưng may mắn lần này anh chấp nhận từ bỏ cách nghĩ các đồng đội phải phục vụ anh để hòa vào lối chơi tập thể. Chính vì thế, người coi mới thấy Nani, Sanches chơi hay như thế nào.

EURO 2016 có nhiều sao trẻ nhưng cũng không quá ấn tượng như Sanches, Pogba…Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là Pogba khi mà cầu thủ Pháp gieo cho người coi một niềm tin sẽ là siêu sao tầm cỡ thế giới trong một vài năm nữa thôi. Pogba tuy trẻ nhưng chơi bóng điềm đạm, chắc chắn và rất hiệu quả. Anh còn thiếu sự đột biến và ổn định để trở thành ngôi sao lớn như Messi hay Ronaldo.

Nói tóm lại, EURO 2016 đề cao tính tập thể, tư duy chiến thuật của cả đội bóng. Chính vì thế tính đột phá cá nhân không được tôn vinh. Chỉ xin nhắc lại: Đức có cả hai thứ đó nhưng lại thất bại ở bán kết. “Xe tăng” rời “chiến trường” sớm hơn dự kiến là một tiếc nuối lớn nhất của EURO lần này.

Hoàng Hưng (ghi)

Tin cùng chuyên mục